19/12/2019 - 21:11

Công bố kết quả chính thức Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019

Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 ngày 19-12.

Theo đó, kết quả Tổng điều tra chính thức được công bố: Tổng số dân của Việt Nam là 96,2 triệu người, trong đó, dân số nam là 47,88 triệu người, chiếm 49,8% và dân số nữ là 48,3 triệu người, chiếm 50,2%. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi chiếm khoảng 68% tổng dân số nhưng tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên đang tăng với tốc độ nhanh nhất, chiếm 7,7%. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi; trong đó, tuổi thọ của nam giới là 71, nữ giới là 76,3 tuổi. Điều này cho thấy, mặc dù Việt Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng tốc độ già hóa dân số đang tăng nhanh, đòi hỏi chúng ta vừa phải đồng thời thực hiện các chính sách để thích ứng với già hóa dân số, vừa phải tranh thủ tận dụng nguồn nhân lực vàng cho phát triển kinh tế, tạo bứt phá để vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Đáng chú ý, tổng tỷ suất sinh là 2,09 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế. Điều này cho thấy, Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định trong hơn một thập kỷ qua, xu hướng sinh hai con là phổ biến. Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam có xu hướng tăng hơn so với mức sinh học tự nhiên từ năm 2006 đến nay, năm 2018 là 114,8 bé trai/100 bé gái, năm 2019 là 111,5 bé trai/100 bé gái.

Mặc dù dân số liên tục tăng nhưng di cư đang có dấu hiệu giảm cả về số lượng và tỷ lệ. Trong số 88,4 triệu dân từ 5 tuổi trở lên, số người di cư là 6,4 triệu người, chiếm 7,3%. Đông Nam bộ là điểm đến thu hút nhất đối với người di cư (1,3 triệu người nhập cư), tiếp đến là Đồng bằng sông Hồng. Toàn quốc có 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ suất di cư thuần dương, nghĩa là người nhập cư nhiều hơn người xuất cư. Có 43% người di cư đang phải sống trong các căn nhà thuê mượn, gấp gần 8 lần tỷ lệ này của người không di cư. Các địa phương có nhiều khu công nghiệp thu hút đông lao động phổ thông là những nơi có tỷ lệ người di cư phải thuê/mượn nhà cao nhất, như: Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì tổng hợp dữ liệu Tổng điều tra để cung cấp cho các Tiểu ban chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đảng và Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phục vụ đánh giá, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, 5 năm, 10 năm tại các địa phương. Tổng cục Thống kê tính lại tỷ lệ GRDP cho các tỉnh.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Chia sẻ bài viết