Hồi giữa tuần rồi, Chính phủ Nga đã quyết định cấp 10 triệu USD hỗ trợ ngân sách của Nicaragua mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào. Số tiền không lớn nhưng sức nặng của nó nằm ở chỗ “không kèm theo bất cứ điều kiện nào”. Vả lại, Nga cũng đang vất vả đối phó với thâm hụt ngân sách, dự kiến lên tới xấp xỉ 6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay.
Và điều khiến người ta chú ý hơn nữa là gần như đồng thời với động thái trên của Mát-xcơ-va, Ngoại trưởng Nicaragua Samuel Santos tuyên bố các thủ tục về việc mở đại sứ quán Nam Ossetia và Abkhazia tại nước này đã hoàn tất. Nicaragua là quốc gia thứ hai trên thế giới, sau Nga, công nhận nền độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia (hai khu vực ly khai của Gruzia, một quốc gia thân phương Tây) sau cuộc chiến 5 ngày giữa Nga và Gruzia hồi tháng 8-2008. Nga hậu thuẫn Nam Ossetia và Abkhazia độc lập cũng được cho là nhằm trả đũa việc phương Tây ủng hộ Kosovo tách khỏi Serbia, đồng minh truyền thống của Mát-xcơ-va.
Đến nay, trên thế giới mới có 4 quốc gia công nhận Nam Ossetia và Abkhazia độc lập. Hai nước kia là Venezuela và quốc đảo Nauru nhỏ bé nằm ở Nam Thái Bình Dương. Người ta không biết có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không mà thời điểm hai nước này công nhận Nam Ossetia và Abkhazia độc lập đều diễn ra ngay sau những cam kết tài trợ từ Nga. Đối với Nauru là gói viện trợ nhân đạo trị giá 50 triệu USD, còn Venezuela là khoản tín dụng 2,2 tỉ USD để nước này mua vũ khí của Nga.
Tuy nhiên, hồi cuối tuần rồi, Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych, nhân vật được cho là thân Nga, đã làm Mát-xcơ-va thất vọng khi tuyên bố chưa bao giờ thừa nhận nền độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia cũng như Kosovo, với lập luận rằng điều đó vi phạm luật pháp quốc tế về sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Nói ông Yanukovych làm Nga thất vọng vì khi còn đứng ở vị trí phe đối lập hồi năm 2008, ông này từng nói rằng Ukraina nên “chấp nhận nguyện vọng của người dân Nam Ossetia và Abkhazia và công nhận nền độc lập của họ”. Sự thay đổi lập trường của ông Yanukovych cũng dễ hiểu. Là nguyên thủ quốc gia, Tổng thống Yanukovych không khỏi lo ngại việc công nhận Nam Ossetia và Abkhazia sẽ tạo ra tiền lệ xấu, tác động trực tiếp tới nước này. Chủ nghĩa ly khai tại bán đảo tự trị Crimea có đa số dân gốc Nga (đến năm 1954 khu vực này còn thuộc chủ quyền của Nga) luôn là nỗi ám ảnh đối với các nhà lãnh đạo Ukraina. Mặt khác, có lẽ ông Yanukovych thấy mình hiện chẳng còn nợ nần gì người láng giềng khổng lồ. Chẳng phải việc Nga giảm 30% giá khí đốt giúp Ukraina tiết kiệm hàng chục tỉ USD trong 10 năm tới đã được đền đáp bằng việc Kiev cho Mát-xcơ-va thuê căn cứ hải quân Sevastopol (nơi đặt bản doanh của Hạm đội Biển Đen) trên bán đảo Crimea thêm 25 năm nữa cho tới năm 2042 đó sao?
Đúng là có ai cho không người khác cái gì bao giờ.
LÊ DÂN