30/10/2010 - 09:39

Chuyển dịch lao động nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời kỳ đổi mới

HỒ CAO VIỆT
Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam

Ở nước ta, tốc độ chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang các lĩnh vực khác đang rất lớn. Điều này đã làm nảy sinh nhiều bất cập như thiếu nhân công nông nghiệp mang tính thời vụ, giá nhân công nông nghiệp tăng, giảm sức cạnh tranh về giá thành nông sản... Việc tìm ra những giải pháp nhằm ổn định nguồn nhân lực ở nông thôn sẽ góp phần giảm chênh lệch khoảng cách mật độ dân số, thu nhập giữa thành thị - nông thôn hiện đang là mối quan tâm lớn của toàn xã hội.

Lớp dạy nghề kết cườm miễn phí cho phụ nữ phường Trường Lạc, quận Ô Môn. Ảnh: P. M

Thực trạng nguồn nhân lực nông nghiệp

Nhìn chung, lao động nông nghiệp chuyển dịch nhanh trong việc đa dạng hóa ngành nghề, cơ hội việc làm và di cư về thành thị ngày càng tăng. Tỷ lệ lao động nông nghiệp sử dụng thời gian hữu dụng thấp, thời gian nhàn rỗi cao. Thời gian đóng góp cho phi nông nghiệp của nhóm hộ nghèo, hộ ít đất thấp hơn rất nhiều so với hộ giàu có diện tích đất tương đối lớn.

Qua kết quả điều tra mức sống hộ gia đình ở Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua cho thấy, có 62,3% số lao động hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, 37,7% đóng góp cho phi nông nghiệp. Hiện tượng khan hiếm lao động trẻ ở nông thôn đã bộc lộ nông nghiệp không còn là ngành bảo đảm nguồn thu nhập tiền mặt quan trọng cho gia đình. Sau mỗi mùa vụ, chỉ còn người lớn tuổi ở lại nông thôn; thu nhập của lao động phi nông nghiệp, làm thuê cho nông nghiệp thường cao hơn nhóm lao động nông nghiệp thuần túy. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên do cơ hội việc làm phi nông nghiệp còn thấp ở vùng nông thôn, sức hút lao động về thành thị chưa đủ do trình độ học vấn và tay nghề cao. Mặc dù sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang chuyển sang giai đoạn thâm dụng vốn và công nghệ, nhưng vẫn cần sử dụng một lượng lớn lao động thủ công theo hướng thâm dụng lao động. Trên thực tế, lao động nhà đóng góp cho nông nghiệp của hộ có diện tích đất canh tác ít (dưới 1 ha) cao hơn hộ có diện tích đất rộng (trên 1 ha), ngành nghề đòi hỏi đầu tư vốn và kỹ năng tập trung ở những hộ khá giàu và thu hút lao động trong độ tuổi từ 21 đến 35 tuổi.

Xu hướng áp dụng kỹ thuật nhằm tiết kiệm, giảm chi phí thuê lao động nông nghiệp đã xuất hiện trên quy mô lớn từ nhiều năm nay. Việc ứng dụng cơ giới hóa từng phần các công đoạn cần nhiều lao động trong nông nghiệp, ngày càng rộng rãi và phổ biến hơn. Đặc biệt, hiện nay, cơ giới hóa ở hộ khá giàu diễn ra nhanh, được xem là cuộc cách mạng giảm nhân công, là một trong những biện pháp tiết kiệm lao động thủ công hiệu quả, khi có khoảng 88% số hộ khá giàu có máy cày, 80% có máy tuốt lúa. Dù vậy, nhóm hộ khá giàu có diện tích đất rộng nhưng nhân lực gia đình chỉ đáp ứng khoảng 8 - 22 % lao động trong khi thị trường lao động và nguồn cung lao động chưa ổn định, buộc họ phải thuê hoặc trang bị thêm máy móc nông nghiệp. Điều đó làm giá thành trong nông nghiệp tăng 1,27 lần, trong đó chi phí thuê máy tăng 10% và thuê lao động làm tăng 27 % trên tổng chi phí sản xuất.

Lao động nông thôn trở nên khó khăn vào những thời điểm đông ken, vào vụ ở một số vùng. Những vùng mật độ dân cư thấp (khoảng 300 người/km2) như tỉnh Long An, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang... diện tích đất nông nghiệp trên đầu người vẫn tương đối cao, nên càng thiếu lực lượng lao động khi vào vụ. Những vùng có khả năng tăng vụ, phát triển công nghiệp và nằm gần khu công nghiệp, dịch vụ lớn như ở các huyện Đức Hòa, Châu Thành của tỉnh Long An và huyện Châu Thành A của tỉnh Hậu Giang... lực lượng lao động nông nghiệp càng thiếu. Việc khan hiếm lao động vào vụ làm cho giá thuê lao động tăng và đã xuất hiện những tổ nhóm lao động chuyên. Giá nhân công nông nghiệp tăng tương ứng với giá nhân công công nghiệp, dịch vụ ở vùng thành thị. Điều này tạo ra cơ hội tăng thu nhập cho nông hộ ít đất, thừa lao động. Theo đó, làn sóng lao động nông thôn trẻ di cư về thành thị, ban đầu chỉ mang tính thời vụ, dần dần định cư lâu dài ở các khu đô thị và thành phố, văn minh thành thị được con em nông dân tiếp cận, hấp thụ và truyền bá cho vùng nông thôn, góp phần tăng lợi tức nông nghiệp và cải thiện thu nhập.

Nhưng, hệ quả trên dẫn đến sự khan hiếm lao động nông nghiệp trong những năm gần đây. Xu hướng giảm lao động chân tay khoảng 50%, có 60% số lao động cho phi nông nghiệp và dịch vụ, một lượng lao động từ hộ nghèo chuyển sang làm thuê cho hộ giàu. Thị trường lao động dần dần hình thành ở vùng nông thôn, nhiều nông dân chuyên làm thuê và nhiều hộ chuyên thuê mướn lao động nông nghiệp với giá nhân công theo mức thỏa thuận, vừa giải quyết thiếu hụt lao động, vừa tăng thu nhập cho nhóm nông dân ít đất và hộ không có đất.

Hệ quả quá trình chuyển dịch lao động từ nông thôn ra thành thị

Chuyển dịch lao động diễn ra khá nhanh, hầu hết con em nông dân đều chưa được chuẩn bị đầy đủ các kỹ năng, trình độ, tay nghề để hội nhập vào nền sản xuất công nghiệp - dịch vụ ở các khu đô thị và thành phố lớn. Do đó, việc làm của lao động trẻ xuất thân từ nông thôn thường là những việc nặng nhọc, thu nhập thấp. Không có sự chọn lựa nào khác, vì họ khó tồn tại ở nông thôn trong điều kiện ít đất hoặc không đất. Khi một lượng lớn lao động nông thôn được “kéo đi” hoặc “đẩy về” thành thị thì việc thiếu hụt lao động cho nông nghiệp đã và đang diễn ra là điều tất yếu. Thực trạng này đã dẫn đến hệ quả giá lao động tăng, chất lượng lao động kém, chi phí đầu tư tăng và lợi nhuận sản xuất nông nghiệp giảm.

Vùng đô thị và ven đô chịu áp lực lớn của di cư lao động, tăng dân số cơ học nên đời sống kinh tế - xã hội phải chịu nhiều ảnh hưởng. Việc thiếu hụt lao động và áp dụng kỹ thuật tiết kiệm lao động, nhất là sử dụng nông dược quá mức làm cho môi trường ô nhiễm, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người vùng nông thôn.

Thời gian gần đây, các hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp ngày càng đa dạng và phát triển theo hướng chuyên môn hóa cao. Xét tương quan giữa 2 yếu tố đất đai - lao động, có 2 nhóm hộ: hộ thiếu đất - thừa lao động và hộ nhiều đất - thiếu lao động. Khi thị trường lao động chưa hình thành rõ rệt, nhóm thừa lao động “bán” sức lao động qua một thị trường không chính thức, hình thành nên những nhóm lao động, có tổ chức, có người đứng đầu, nhưng không có tư cách pháp nhân. Những nhóm này đã góp phần làm phong phú nguồn cung lao động cho nông thôn, nhất là những vùng sản xuất tăng vụ, có diện tích đất nông nghiệp bình quân tương đối rộng. Các nhóm này dần dần “triệt tiêu” mối quan hệ sử dụng lao động theo phương thức truyền thống là “vần - đổi công” và thay thế bằng phương thức mang tính chất mua, bán trao đổi kinh tế (người thuê - người làm thuê), có quan hệ xã hội lỏng lẻo (không là bà con - hàng xóm như trước đây, các nhóm tổ chức lao động thường từ các địa phương vùng lân cận đến). Thành viên của các nhóm này là những hộ có đất ít, lao động và nhân khẩu đông, trình độ văn hóa thấp, ít vốn nhưng có kỹ năng sản xuất nông nghiệp giỏi và ở độ tuổi trung niên.

Gợi mở một số giải pháp

Một là, tăng khả năng thu hút nhân lực nông thôn thừa, thông qua sự mở rộng đầu tư cho ngành phi nông nghiệp ngay tại vùng nông thôn hoặc cận nông thôn. Cụ thể, xây dựng các nhà máy chế biến nông - thủy - hải sản nhỏ và vừa tại các khu, cụm công nghiệp của mỗi địa phương nhằm tạo cơ hội cho nguồn nhân lực nông thôn tại chỗ tiếp cận ngành nghề phi nông nghiệp hoặc ở vùng thành thị để hút lao động ngoại vùng dư thừa. Như vậy, vừa lấp đầy các khu, cụm công nghiệp hiện hữu, vừa phát huy được thế mạnh nông nghiệp của vùng.

Hai là, nâng cao trình độ nguồn nhân lực nông thôn, cần được xem là quyết sách hàng đầu. Thông qua chính sách khuyến học, đào tạo nghề định hướng theo nhu cầu thị trường, xây dựng kết cấu hạ tầng giáo dục đáp ứng đủ cho nhu cầu học tập của con em hộ nông dân, nhất là hộ nghèo, trợ giá bán sách giáo khoa, sách kiến thức khoa học giá thấp so với mức thu nhập để mọi người dân có thu nhập thấp đều có cơ hội tiếp cận tri trức, mở mang kiến thức. Nâng cao nhận thức của một bộ phận nông dân về vai trò của trình độ học vấn, tay nghề chuyên môn, chính sách bắt buộc họ cho con em đến trường, tránh hiện tượng bỏ học, thất học như hiện đang diễn ra ở không ít nơi.

Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của nhóm hộ nghèo, ít đất, thiếu vốn. Xem đây là yếu tố quyết định hàng đầu cho sự phát triển kinh tế gia đình của họ thông qua các chính sách hỗ trợ vốn đào tạo nghề phù hợp với điều kiện thực tiễn và nhu cầu ngành nghề của xã hội (cần có điều tra khảo sát, phân nhóm, xác định nhu cầu nguyện vọng). Từ đó tăng dần nguồn thu nhập ở khu vực phi nông nghiệp cho con em hộ nghèo. Việc đào tạo nghề cho con em nông dân phải gắn liền với nhu cầu nhân lực của xã hội cả về số lẫn chất lượng để nhân lực sau khi đào tạo có thể tìm việc làm thích hợp với nhu cầu nghề nghiệp của thị trường lao động, giảm sự thiếu hiệu quả (tốn kinh phí và thời gian) trong đào tạo nghề như hiện nay, có thể tìm việc làm phù hợp mang lại nguồn thu nhập ổn định, phù hợp với bản thân người lao động nghèo ở nông thôn.

Ba là, dần dần hình thành thị trường lao động ở nông thôn. Tạo điều kiện cho nguồn cung lao động nông thôn tự đáp ứng đủ lượng cầu lao động cho nông nghiệp tại chỗ, giải quyết thiếu hụt lao động thời vụ, tránh sự tăng đột biến giá thuê nhân công nông nghiệp và thiếu hụt nhân công. Qua thị trường lao động, người lao động nông nghiệp và ngành nghề ở nông thôn nhận mức lương nhân công hợp lý so với khu vực công nghiệp và dịch vụ, tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình và nhất là những hộ nghèo ít đất thừa lao động, khuyến khích họ gắn bó với nông nghiệp, tránh sự di cư bất hợp lý về thành thị vì nhu cầu mưu sinh kiếm sống.

Bốn là, có chính sách bảo hiểm thất nghiệp thông qua các quỹ bảo hiểm nghề nghiệp cho nông dân. Học kinh nghiệm của một số nước châu Âu và Nhật Bản, cần được xem xét nhằm khuyến khích nguồn nhân lực trẻ, có kiến thức và được đào tạo những ngành nghề như kinh doanh nông nghiệp, kỹ thuật nông nghiệp, khuyến nông, phát triển nông thôn ở lại nông thôn, họ sẽ kiến tạo nông thôn theo hướng hiện đại, phát triển nông nghiệp theo hướng kỹ thuật - công nghệ - hiệu quả kinh tế cao và bền vững hơn so với thế hệ trước.

Năm là, cần có chính sách khuyến khích các hình thức hợp tác, phương thức tổ chức lao động và đẩy nhanh hơn nữa cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn bằng những cơ chế cho vay vốn đầu tư, đào tạo kỹ năng quản lý, kinh doanh nông nghiệp, các liên kết hợp tác kinh tế và sử dụng nguồn nhân lực nông thôn.

(Theo Tạp chí Cộng sản)

Chia sẻ bài viết