25/08/2009 - 09:36

Chuyến đi vất vả của ông Netanyahu

Thủ tướng Netanyahu.
Ảnh: AP

Hôm qua 24-8, Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu tới Luân Đôn, bắt đầu chuyến thăm châu Âu 4 ngày nhằm thảo luận việc khởi động lại tiến trình hòa bình Trung Đông. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Tel Aviv đang chịu sức ép của phương Tây buộc ngưng xây dựng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây, và căng thẳng trong quan hệ giữa Israel với Thụy Điển, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU).

Theo lịch trình, Thủ tướng Netanyahu có cuộc gặp với người đồng cấp Anh Gordon Brown vào hôm nay, trước khi hội đàm riêng rẽ với Đặc phái viên hòa bình Trung Đông của Mỹ George Mitchell và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong 2 ngày tới.

Mỹ đang nỗ lực đạt được một thỏa thuận với Israel về việc “đóng băng” các khu định cư Do Thái trên các vùng đất chiếm đóng của Palestine. Vấn đề này đã làm rạn nứt sâu sắc quan hệ giữa hai đồng minh. Cả hai thủ tướng Anh và Đức cũng chỉ trích chính sách định cư của Israel. Dưới sức ép của phương Tây, tuần rồi, Israel quyết định ngưng cấp phép cho các dự án xây dựng mới. Tuy nhiên, theo tổ chức Peace Now, việc xây dựng nhà cho người Do Thái ở Bờ Tây vẫn đang tiếp tục và người định cư có thể dễ dàng xây hàng ngàn ngôi nhà theo kế hoạch cũ vốn đã được thông qua. Theo giấy phép hiện có, 40.000 căn nhà mới có thể được xây dựng và từ đầu năm 2009 đến nay đã tiến hành xây gần 600 căn. Số người Israel định cư ở Bờ Tây, nơi ở của 2,5 triệu người Palestine, đã tăng gấp đôi lên khoảng 300.000 người kể từ giữa thập niên 1990.

Ông Netanyahu công du châu Âu trong lúc xảy ra cuộc tranh cãi giữa Israel với Thụy Điển. Số là tờ báo Aftonbladet ở Stockholm hồi tuần rồi đã nhắc lại cáo buộc của Palestine hồi giữa thập niên 1990 rằng binh sĩ Israel đánh cắp nội tạng của những người Palestine bị họ giết. Trước khi tới châu Âu, Thủ tướng Netanyahu đã kêu gọi chính phủ Thụy Điển lên án tờ Aftonbladet vì cho rằng bài báo không đưa ra bằng chứng xác thực. Tuy nhiên, Thủ tướng Thụy Điển Fredrik Reinfeldt cho biết không thể làm vậy vì sẽ vi phạm luật tự do ngôn luận của nước này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel Yigal Palmor cho rằng cuộc tranh cãi này không ảnh hưởng đến chuyến thăm châu Âu của ông Netanyahu. Tuy nhiên, vụ việc có thể gây phức tạp đối với quan hệ song phương giữa hai nước, nhất là khi Thụy Điển đang là đại diện của EU. Bộ trưởng Tài chính Israel Yuval Steiniz tuyên bố nếu Stockholm không có biện pháp với tờ Aftonbladet, Tel Aviv có thể hủy bỏ chuyến thăm Israel của Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt, dự kiến vào ngày 10-9 tới. Văn phòng báo chí chính phủ Israel cũng cho biết họ đã hoãn cấp phép cho 2 phóng viên của tờ Aftonbladet vào Dải Gaza. Trong khi đó, một trang web ở Israel đã thu thập hàng ngàn chữ ký kêu gọi tẩy chay hàng trang trí nội thất Ikea của Thụy Điển.

N.MINH
(Theo WSJ, Reuters, NYT)

Thủ tướng Netanyahu. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết