Tuy 2 nước lớn ở châu Á đang tiến xa hơn châu Âu trong các sứ mệnh đưa con người vào vũ trụ hay thám hiểm Mặt trăng, giới chuyên môn nhận định cựu lục địa vẫn dẫn đầu lĩnh vực quan sát Trái đất vốn tạo ra nguồn dữ liệu quan trọng.

Chương trình Ariane 6 chậm trễ do thiếu kinh phí. Ảnh: Ariane Group
Tại Hội nghị thượng đỉnh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) diễn ra đầu tháng này, Pháp, Ðức cùng Ý đã phá vỡ thế bế tắc và đạt thỏa thuận mà tất cả 22 quốc gia thành viên khác cũng ủng hộ. Theo đó, các nước cam kết cung cấp khoản hỗ trợ mỗi năm lên tới 363 triệu USD cho chương trình tên lửa Ariane 6 và 22,5 triệu USD đối với mẫu tên lửa Vega-C nhỏ hơn từ năm 2026.
Quyết định trên của châu Âu được đưa ra trong lúc khu vực đối mặt cạnh tranh ngày càng tăng, không chỉ từ Mỹ mà còn có những đối thủ mới là Trung Quốc, Ấn Ðộ cũng như một số công ty tư nhân như SpaceX của tỉ phú Elon Musk.
Theo Giám đốc Viện Chính sách Vũ trụ châu Âu Hermann Ludwig Moeller, phương hướng hiện nay là đúng nhưng châu Âu cần mở rộng quy mô và đẩy nhanh những gì đã thảo luận. Khu vực đặc biệt cần có ý chí chính trị để thực hiện điều đó bởi nếu không, khoảng cách với Mỹ, Trung Quốc và Ấn Ðộ sẽ tiếp tục bị nới rộng.
Cách đây 20 năm, chuyên gia Kai-Uwe Schrogl của ESA cho biết chỉ có Nhật Bản là quốc gia châu Á có thể sánh ngang châu Âu và đạt được những hoạt động khá tương tự trong lĩnh vực không gian. Khi Tokyo đối mặt các vấn đề liên quan suy thoái kinh tế và bị tụt lại phía sau, châu Âu vẫn tiếp tục đẩy nhanh các chương trình không gian. Ðây cũng là thời điểm Trung Quốc và Ấn Ðộ nổi lên, khiến cựu lục địa dần rơi lại phía sau.
Một trong những thành tựu nổi bật của Trung Quốc những năm gần đây là hạ cánh tàu vũ trụ Thường Nga ở vùng tối của Mặt trăng. Sứ mệnh tiếp theo của họ trong thập kỷ này là đưa phi hành gia lên Mặt trăng và xây dựng một trạm nghiên cứu quốc tế về vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất. Ðiểm mạnh của Bắc Kinh là có nguồn tài chính dồi dào. Chỉ riêng năm 2022, Công ty nghiên cứu vũ trụ và tình báo thị trường Euroconsult ước tính Trung Quốc đã đầu tư khoảng 12 tỉ USD cho chương trình không gian của mình.
Ấn Ðộ cũng đạt được tiến bộ nhanh chóng với các sứ mệnh Chandrayaan bắt đầu vào năm 2008, trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh tàu vũ trụ gần cực Nam Mặt trăng. New Delhi cũng có mục tiêu rõ ràng và thực tế cho các chương trình đưa con người vào vũ trụ trong năm 2030 và 2035. So với châu Á năng động, châu Âu năm ngoái chỉ thực hiện 6 lần phóng do chương trình Ariane 6 bị trì hoãn vì không đạt sự thống nhất và thiếu kinh phí. Ngoài ra, quan hệ đối tác giữa ESA với Nga bị chệch hướng bởi các lệnh trừng phạt liên quan cuộc chiến Ukraine cũng khiến các hoạt động chung bị hạn chế.
Phát huy điểm mạnh
Tuy bị tụt lại so với các đối thủ trong việc đưa con người vào vũ trụ và thám hiểm Mặt trăng, chuyên gia Schrogl cho biết châu Âu vẫn dẫn đầu trong các dự án quan sát Trái đất và định vị. Ðược biết, hệ thống vệ tinh Galileo của khu vực được thừa nhận chính xác hơn hệ thống GPS của Mỹ.
Ngoài ra, ESA đang phối hợp Liên minh châu Âu (EU) và các bên liên quan trong chương trình Copernicus, sử dụng vệ tinh để quan sát Trái đất và tạo ra dữ liệu quan trọng về thành phần khí quyển, thông tin về phát thải khí nhà kính và chất lượng không khí. Nó cũng cung cấp khả năng giám sát hàng hải và biên giới, đặc biệt hỗ trợ kiểm soát tình huống khẩn cấp.
Cùng với Tổ chức khai thác vệ tinh khí tượng châu Âu (Eumetsat), chương trình Copernicus giúp EU vượt xa Mỹ trong lĩnh vực quan sát không gian. Trong khi đó, Ấn Ðộ dù hoạt động tích cực trong lĩnh vực này từ những năm 1980 nhưng không thể sánh với năng lực công nghệ cũng như phạm vi hoạt động của các chương trình EU.
Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã thành lập “Quỹ Chiến lược không gian”, mục tiêu là cung cấp kinh phí hỗ trợ cho các công ty tư nhân, trường đại học trong nước… phát triển những dự án nghiên cứu liên quan. Quỹ này đặt mục tiêu đạt quy mô 6,7 tỉ USD trong 10 năm và có thể giải ngân trong nhiều năm nên có thể cung cấp hỗ trợ lâu dài, quy mô lớn và khuyến khích thương mại hóa cũng như sự tham gia của các lĩnh vực khác.