21/04/2009 - 08:51

Chung quanh cuộc tổng tuyển cử ở Nam Phi

Lãnh tụ Mandela và ông Zuma (bìa trái) trong buổi vận động tranh cử ngày 19-4.
Ảnh: AP

Ngày mai 22-4, 23 triệu cử tri Nam Phi sẽ bỏ phiếu bầu 400 ghế Quốc hội và 90 ghế hội đồng địa phương. Đây là cuộc tổng tuyển cử thứ tư ở Nam Phi, nhưng là lần đầu tiên thế hệ “hậu chủ nghĩa phân biệt chủng tộc - apartheid”, lớp trẻ sinh ra sau năm 1990 (thời điểm lãnh tụ Nelson Mandela được trả tự do sau 27 năm tù) bắt đầu thực hiện quyền công dân.

Cầm quyền từ năm 1994, đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) vẫn nổi trội và nhiều khả năng giành thắng lợi. Tuy nhiên, ANC phải giành giật từng phiếu bầu để duy trì thế đa số 2/3 ở Quốc hội, điều kiện cần thiết để thay đổi hiến pháp, trước thách thức từ các đảng khác. Trong đó, đáng kể có đảng Đại hội Nhân dân (COPE) ly khai khỏi ANC. COPE do một số nhân vật từng được xem là anh hùng chống chủ nghĩa apartheid thành lập sau khi Tổng thống Thabo Mbeki bị phe ủng hộ Chủ tịch ANC Jacob Zuma lật đổ hồi năm ngoái. Ngoài ra, Liên minh Dân chủ (DA) của bà Helen Zille, thị trưởng thành phố Cape Town, cũng có thể ngăn cản thắng lợi áp đảo của ANC. Theo khảo sát của tổ chức nghiên cứu dư luận Ipsos Markinor, ANC sẽ giành được 65% phiếu bầu, với 79% cử tri da đen ủng hộ, trong khi DA được 11% nhờ phiếu của đa phần người da trắng. COPE dự báo tranh thủ được 8-9% phiếu bầu.

Do sự tín nhiệm đối với Chủ tịch Zuma không cao (liên quan trong vụ mua bán vũ khí trị giá nhiều tỉ USD trước đây) nên để đảm bảo thắng lợi, ANC buộc phải dựa vào uy tín của huyền thoại Mandela. Hiếm khi xuất hiện trước công chúng, nhưng ngày 19-4, ông Mandela, 90 tuổi, đã cùng các thành viên ANC vận động tranh cử trong sân vận động Ellis Park ở Johannesburg.

Một lợi thế khác của ANC là tuy hàng triệu cử tri trẻ không có hồi ức về cuộc chiến chống chủ nghĩa apartheid nhưng kỷ nguyên đó có ảnh hưởng rất lớn tới quyết định của họ. Các đảng đối lập thất bại trong nỗ lực thu hút lực lượng này.

Một khi ANC thành công, ông Zuma sẽ trở thành tổng thống và đối mặt với thách thức suy thoái sau 16 năm tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Phi. Tội phạm, thất nghiệp, nghèo đói, tham nhũng... luôn là những vấn đề nhức nhối trong lòng xã hội nước này. Một ngày tại Nam Phi có thể xảy ra 50 vụ giết người. Nạn hối lộ và cướp bóc cũng ở mức cao kỷ lục. Ngoài ra, khoảng 1.000 người Nam Phi chết mỗi ngày vì bệnh AIDS.

N.KIỆT
(Theo Guardian, Reuters, Washingtonpost)

Lãnh tụ Mandela và ông Zuma (bìa trái) trong buổi vận động tranh cử ngày 19-4. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết