28/09/2011 - 10:05

Chuẩn bị sẵn sàng các phương án đối phó với diễn biến phức tạp của bão, lũ

* Hỗ trợ kịp thời cho nhân dân vùng lũ Đồng bằng sông Cửu Long
* TP CẦN THƠ: Khẩn trương thu hoạch lúa thu đông tránh lũ

Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết: đến thời điểm này, cơn bão số 4 đã làm 1 người chết là anh Nguyễn Vũ Viên, sinh năm 1980, thuyền viên tàu PY6678 của tỉnh Phú Yên do bị rơi xuống biển lúc 10h ngày 26-9. Bão cũng làm chìm tàu ĐNa 0234 của Đà Nẵng; 2 tàu của tỉnh Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế bị hư hỏng đã được lai dắt vào bờ an toàn.

Để đối phó với cơn bão số 4, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi đã chỉ đạo các địa phương, các ngành chức năng thực hiện nghiêm túc Công điện số 31/CĐ-PCLBTW của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn; tổ chức các đoàn kiểm tra xuống các địa phương chỉ đạo công tác đối phó với bão số 4. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, UBND tỉnh An Giang đã có Quyết định số 1681/QĐ-UBND ngày 26-9-2011 công bố tình trạng lũ khẩn cấp trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo các biện pháp đối phó. Tỉnh Đồng Tháp và An Giang đã huy động 1.509 lượt bộ đội, dân quân và lực lượng tại chỗ gia cố bờ bao tại các trọng điểm xung yếu để bảo vệ diện tích vụ 3 và vườn cây ăn trái.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương: Về cơn bão NESAT, đến 1h ngày 28-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 660 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 01 giờ ngày 29-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 115,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp14, cấp 15. Do ảnh hưởng của bão, từ chiều 27-9 vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội.

Trước diễn biến phức tạp của bão, lũ, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục kiểm tra, đánh giá tình hình thiệt hại, triển khai công tác phòng, chống lũ, bão theo phương châm “4 tại chỗ” tại các địa phương, nhất là các khu vực thường xuyên bị ngập lũ và bị lũ chia cắt để chủ động. Các Bộ, ngành, địa phương chuẩn bị sẵn sàng các phương án đối phó với bão NESAT. Các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục huy động vật tư, phương tiện, nhân lực để gia cố bờ bao, đê bao, phòng chống sạt lở bờ sông bảo vệ dân cư và diện tích lúa vụ 3; di dời dân cư ở các khu vực sạt lở, ngập sâu để đảm bảo an toàn; khẩn trương thu hoạch các trà lúa đã chín.

* Ngày 27-9, thông tin từ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: Trước tình hình lũ Đồng bằng sông Cửu Long lên cao, trực tiếp đe dọa cuộc sống của nhân dân, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã cấp cho 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp, mỗi tỉnh 50 triệu đồng để mua áo phao, phao cứu sinh và một số nhu yếu phẩm thiết yếu khác phục vụ các hoạt động cứu trợ khẩn cấp tại địa bàn.

Trung ương Hội cũng chỉ đạo các tỉnh, thành Hội tiếp tục tổ chức lực lượng tham gia hoạt động phòng chống lũ tại các địa bàn xung yếu, như: gia cố đê, bờ bao, tổ chức các tổ/chốt cấp cứu, đưa rước học sinh đến trường, trợ giúp về lương thực, thực phẩm cho các gia đình gặp khó khăn, do phải di dời tới nơi ở mới...; thường xuyên theo dõi sát diễn biến của lũ, chủ động chuẩn bị tiền, hàng cứu trợ và lực lượng cứu trợ, kịp thời tổ chức hoạt động ứng phó với lũ; phân công trực 24/24 giờ. Ngoài ra, Trung ương Hội triển khai mua 1.000 áo phao và một lượng lớn viên lọc nước Aquatabs, sẵn sàng cấp phát cho các địa phương khi có nhu cầu.

* Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) TP Cần Thơ, tính đến ngày 25-9-2011, trên địa bàn TP Cần Thơ còn 23.363ha lúa thu đông chưa thu hoạch. Do đó, những ngày cuối tháng 9-2011, triều cường lên cao kết hợp lũ thượng nguồn và ảnh hưởng cơn bão số 4 nên diện tích lúa thu đông còn lại có khả năng bị nhấn chìm trong nước.

Ban Chỉ huy PCLB-TKCN TP Cần Thơ yêu cầu ngành nông nghiệp các địa phương kiểm tra và vận động nhân dân khẩn trương thu hoạch diện tích lúa còn lại đã đến thời kỳ thu hoạch. Ở các vùng bị ngập sâu, nhà trường cần phối hợp với phụ huynh tổ chức đưa rước con em đến trường để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra. Các thành viên Ban Chỉ huy PCLB-TKCN thành phố được phân công chỉ đạo các quận, huyện phải trực tiếp đến địa bàn và phối hợp với UBND, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các quận, huyện bàn biện pháp ứng phó với lũ đang xảy ra; Thường trực Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các cấp túc trực 24/24 giờ trong đợt triều cường, kịp thời ứng cứu khi có sự cố xấu xảy ra; tổ chức tuần tra, theo dõi những nơi có nguy cơ sạt lở cao, kịp thời cảnh báo cho người dân di dời đến nơi an toàn; kiểm tra gia cố những đoạn đê bao xung yếu...

TTXVN-H.V

Chia sẻ bài viết