Hai năm sau bài phát biểu tại Cairo (Ai Cập) nhằm cải thiện quan hệ với thế giới Hồi giáo, hôm qua 19-5, Tổng thống Mỹ Barack Obama
(ảnh) lại nói về chính sách mới ở Trung Đông, trong đó nhấn mạnh trọng tâm phát triển kinh tế là con đường tiến tới tự do và an ninh. Phát biểu tại Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Obama cho rằng có nhiều cơ hội chính trị, kinh tế và an ninh quốc gia đang hiện hữu cho người dân các nước A-rập và cho cả Mỹ.
Để thúc đẩy những cơ hội ấy, Tổng thống Mỹ đề nghị hàng tỉ USD viện trợ kinh tế cho Ai Cập và Tunisie. Theo thông báo của ông Obama, Mỹ có kế hoạch xóa nợ khoảng 1 tỉ USD cho Ai Cập và bảo lãnh 1 tỉ USD vay vốn cho cả Ai Cập và Tunisie trong vài năm. Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng như nhiều định chế tài chính đa phương khác sẽ cấp thêm 2-3 tỉ USD cho các nước này. Nhà Trắng hy vọng Ai Cập và Tunisie có thể trở thành “mô hình” cho các nước khác trong khu vực noi theo.
Washington vẫn cho rằng cách tốt nhất để ủng hộ dân chủ là thông qua viện trợ cải cách kinh tế, chính sách mà Mỹ từng thực hiện ở châu Âu sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và ở Trung Đông Âu sau khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989. Bằng cách viện trợ kinh tế, Tổng thống Obama kỳ vọng tái lập vị thế đi đầu của Mỹ trong các nền dân chủ A-rập mới nổi.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng vẫn chưa rõ làm thế nào ông Obama có thể thực hiện được các mục tiêu trên. Vài tỉ USD đề nghị viện trợ cho Ai Cập và Tunisie không thể so sánh với khoản tiền rất lớn mà Mỹ đã chuyển cho châu Âu sau năm 1945. Mặt khác, bối cảnh ở Trung Đông hiện nay cũng không giống như châu Âu hay Trung - Đông Âu trước kia.
Một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện trong hai tháng 3 và 4 vừa qua, công bố ngày 17-5 cho thấy, đa phần dân chúng trong thế giới Hồi giáo thất vọng với các chính sách của Washington. Theo Pew, tại Indonesia, quốc gia có người theo đạo Hồi đông nhất thế giới và được coi còn thiện cảm với Mỹ ở mức cao, tỷ lệ ủng hộ ông Obama cũng đã giảm 5% so với năm 2010 xuống còn 54%. Trong khi đó, ngay cả với những đồng minh thân cận của Mỹ là Jordanie và Thổ Nhĩ Kỳ, uy tín của Tổng thống Obama cũng đã sụt giảm đáng kể trong năm qua, chủ yếu do thất vọng về cách ông chủ Nhà Trắng giải quyết các vấn đề bất ổn chính trị trong thế giới Hồi giáo. Tại Jordanie, chỉ có 13% số người được hỏi ủng hộ ông Obama, giảm 8% so với một năm trước. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, tỷ lệ người dân ủng hộ nước Mỹ là 10%, giảm 17% so với cuộc thăm dò năm 2010. Tỷ lệ này ở Pakistan giảm từ 17% trong năm 2010 xuống còn 11%.
Các nhà phân tích cho rằng những diễn biến chính trị bất ổn thời gian gần đây tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi đặt ra cho chính giới Mỹ nhu cầu điều chỉnh linh hoạt các chính sách đối ngoại với khu vực này. Thông qua những quyết định của Washington trong các vấn đề liên quan tới khu vực này, có thể thấy rõ đầu óc thực dụng của các nhà hoạch định chính sách tại Nhà Trắng nhằm đạt lợi ích quốc gia cao nhất. Cho nên, chẳng có gì lấy làm khó hiểu khi giới cầm quyền Mỹ vẫn không thay đổi được hình ảnh của họ trong mắt cộng đồng Hồi giáo.
N. MINH
(Theo Guardian, AP, USA Today)