Tổng thống Mỹ George Bush tuần tới sẽ đi thăm một loạt quốc gia Trung Đông với một trong những mục tiêu ưu tiên là ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Iran tại khu vực. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, chiến lược của Washington đối với Tehran từ bấy lâu nay không mấy hiệu quả và có nguy cơ phá sản.
 |
Nhà lãnh đạo tối cao Iran Khamenei: Iran và Mỹ có thể hàn gắn quan hệ. Ảnh: Reuters |
Viết trên tờ Csmonitor, Marc Lynch, giáo sư khoa học chính trị và các vấn đề quốc tế của Đại học George Washington, cho biết bất chấp những cảnh báo của Mỹ về chính sách “gây bất ổn” của Iran, các quốc gia vùng Vịnh vẫn duy trì quan hệ tốt đẹp với giới lãnh đạo Iran. Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) mặc dù vẫn là một phần trọng yếu trong cơ cấu an ninh của Mỹ tại khu vực, nhưng họ không thể tiếp tục thụ động núp dưới cái ô an ninh của Washington cũng như chẳng muốn làm “con tốt” trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Iran. Là những quốc gia dư thừa về tiền bạc (nhờ xuất khẩu dầu), GCC không muốn bị ảnh hưởng bởi một cuộc chiến tranh tàn khốc.
Vì vậy, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad hồi đầu tháng 12-2007 được các nhà lãnh đạo GCC mời đến tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Doha (Qatar). Đây là lần đầu tiên một vị nguyên thủ quốc gia Iran tham gia cuộc họp như vậy kể từ khi GCC được thành lập năm 1981 nhằm đối phó với thách thức từ tham vọng của Iran. Vài tuần sau, Nhà vua Abdullah lại mời ông Ahmadinejad sang Arabie Séoudite dự lễ hành hương của Hồi giáo tại thánh địa Mecca và nhân đó hai bên có cuộc gặp được mô tả là thân mật. Mới đây, người đứng đầu Hội đồng an ninh quốc gia Iran, ông Ali Larijani, lại đi thăm Cairo và có cuộc thảo luận cấp cao đầu tiên với các nhà lãnh đạo Ai Cập trong vòng 27 năm qua. Tổng thư ký Liên đoàn A-rập Amr Moussa tuyên bố quan điểm chung của thế giới A-rập là không xem Iran như kẻ thù của mình. Cần nhắc lại rằng các quốc gia vùng Vịnh là con chủ bài trong chiến lược Trung Đông của Mỹ, trong đó Arabie Séoudite và Ai Cập được xem là “ngọn cờ đầu” để Washington kích động phong trào chống Iran. Rõ ràng, việc hai quốc gia này mời các nhà lãnh đạo Iran sang đối thoại làm chiến lược cô lập Iran của Mỹ trở nên lạc lõng.
Báo cáo của các cơ quan tình báo Mỹ công bố hồi tháng 12 năm ngoái khẳng định Iran chính thức từ bỏ tham vọng sản xuất vũ khí hạt nhân kể từ năm 2003 càng khiến GCC mạnh mẽ phản đối kế hoạch quân sự của Washington chống Tehran bởi họ hiểu rằng chiến tranh sẽ gây tác động tiêu cực đến toàn khu vực. Các phương tiện truyền thông vùng Vịnh hiện nay nói nhiều đến khả năng phòng ngừa chiến tranh thay vì cổ súy hành động quân sự của Mỹ. GCC còn công khai ủng hộ chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình của Iran.
Trong chiều hướng đó, theo hãng tin Anh BBC, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice mới đây tuyên bố Washington sẵn sàng thúc đẩy các mối quan hệ tốt đẹp hơn với Tehran nếu chính quyền Ahmadinejad ngừng làm giàu uranium. Đáp lại, thủ lĩnh tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, người có vai trò quyết định trong chính sách đối ngoại của nước này, ngày 3-1-2008 cho biết Iran chưa bao giờ tuyên bố cắt đứt vĩnh viễn quan hệ với Mỹ và sẵn sàng nối lại vào thời điểm thích hợp (Iran và Mỹ chấm dứt quan hệ ngoại giao kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979).
PHÚC NGUYÊN (Theo Csmonitor, Gulfnews, AP, BBC)