25/04/2023 - 08:55

Chi tiêu quân sự thế giới cao kỷ lục 

MAI QUYÊN (Theo Al Jazeera, SIPRI)

Dữ liệu do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) có trụ sở tại Thụy Điển công bố cho thấy, tổng chi tiêu quân sự thế giới tăng 3,7% và đạt 2.240 tỉ USD - mức cao nhất mọi thời đại trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine đẩy ngân sách quốc phòng nhiều quốc gia tăng vọt.

Chiến sự diễn ra ác liệt tại khu vực Bakhmut của Ukraine.

Trong báo cáo thường niên, SIPRI cho biết tổng chi tiêu quân sự toàn cầu tăng năm thứ 8 liên tiếp vào năm 2022. Mức tăng mạnh nhất được ghi nhận ở châu Âu với 480 tỉ USD, tương đương tăng 13% và là mức cao nhất được ghi nhận trong ít nhất 30 năm.

Theo SIPRI, phần lớn các quốc gia lục địa già tăng ngân sách quân sự do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine. Từ năm 2014, Nga kiểm soát và tiến tới sáp nhập bán đảo Crimea; ủng hộ lực lượng ly khai ở miền Ðông Ukraine trước khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt nhắm vào Kiev hồi tháng 2-2022. Tất cả động thái trên của Ðiện Kremlin gióng lên hồi chuông cảnh báo và lan rộng giữa các nước hoặc là láng giềng với Nga hoặc từng nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô. Cụ thể, theo ghi nhận của SIPRI, ngân sách quốc phòng của thành viên mới Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) là Phần Lan tăng tới 36% hồi năm ngoái. Một số quốc gia khác trong Liên minh châu Âu (EU) cũng tăng đáng kể chi tiêu quân sự là Litva (27%), Thụy Ðiển (12%) và Ba Lan (11%). Theo dự đoán của nhà nghiên cứu cấp cao Diego Lopes da Silva, chi tiêu quân sự ở Trung và Tây Âu sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới khi nhiều nước gấp rút củng cố năng lực phòng thủ với khung thời gian lên tới một thập kỷ.

Về phần Nga, chi tiêu quân sự của Mát-xcơ-va tăng 9,2% lên khoảng 86,4 tỉ USD. Con số này tương đương 4,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2022, tăng từ 3,7% của năm 2021. Trong khi đó, chi tiêu quân sự của Ukraine tăng gấp 6 lần lên 44 tỉ USD. Ðây là mức tăng chi tiêu cho quân sự trong một năm cao nhất ở một quốc gia từng được ghi nhận trong dữ liệu SIPRI.

Mỹ tăng chi tiêu quân sự bất chấp lạm phát

Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Ðộ và Saudi Arabia là những nước dẫn đầu thế giới về chi tiêu quân sự. Năm quốc gia này chiếm khoảng 63% chi tiêu cho tổ hợp công nghiệp - quân sự trên thế giới.

Trong đó, Mỹ vẫn là quốc gia chi cho quốc phòng nhiều nhất toàn cầu với 877 tỉ USD vào năm 2022, chiếm 39% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu. Dựa trên quy mô chi tiêu của Mỹ, SIPRI cho biết dù tỷ lệ phần trăm chỉ tăng nhẹ (0,7%) nhưng nó cũng tác động đáng kể đến chi tiêu quân sự toàn cầu. SIPRI cũng nói thêm, việc Washington gia tăng chi tiêu quân sự phần lớn là do các khoản viện trợ “chưa từng có” cho Ukraine.

Chi tiêu tăng ở châu Á và châu Ðại Dương

Tổng chi tiêu quân sự ở các quốc gia ở châu Á và châu Ðại Dương là 575 tỉ USD, trong đó, Trung Quốc cùng Nhật Bản là những nước đang dẫn đầu. Con số này cao hơn 2,7% so với năm 2021 và 45% so với năm 2013, tiếp tục xu hướng tăng không gián đoạn từ năm 1989. Phần lớn là do căng thẳng ở Ðông Á liên tục leo thang, đặc biệt xung quanh vấn đề Ðài Loan và việc Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền phi lý đối với gần như toàn bộ Biển Ðông.

Theo ghi nhận của SIPRI, Trung Quốc phân bổ khoảng 292 tỉ USD cho quân sự vào năm 2022 - cao hơn 4,2% so với năm 2021 và 63% so với năm 2013. Ðồng minh quan trọng của Mỹ ở khu vực, Nhật Bản, có chi tiêu quân sự đạt 46 tỉ USD vào năm 2022. Con số này tăng 5,9% so với năm trước đó và là mức chi tiêu quân sự cao nhất của Tokyo kể từ năm 1960. Theo nhà nghiên cứu Xiao Liang, hạn chế thời hậu chiến mà Nhật Bản áp đặt đối với năng lực và chi tiêu quân sự dường như đang được nới lỏng nhằm đối phó mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên và Nga.

Chi tiêu quân sự đề cập đến tất cả khoản chi của một quốc gia cho các lực lượng và hoạt động quân sự hiện tại. Nó cũng bao gồm viện trợ quân sự. Trong một đánh giá, nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI Nan Tian cảnh báo sự gia tăng liên tục trong chi tiêu quân sự toàn cầu những năm gần đây là dấu hiệu cho thấy thế giới ngày càng bất ổn. “Các quốc gia đang củng cố sức mạnh quân sự để đối phó với môi trường an ninh vốn đang xấu đi và họ không thấy được trong đó khả năng cải thiện ở tương lai gần” - chuyên gia này nhận định.

 

Chia sẻ bài viết