25/08/2009 - 09:31

Chạy đua bán chiến đấu cơ cho Ấn Độ

Chiếc F/A-18 E/F Super Hornet của Boeing.

Cuối tuần rồi, các phi công Ấn Độ bắt đầu lái thử máy bay chiến đấu F/A-18 E/F Super Hornet do tập đoàn Boeing (Mỹ) sản xuất để đánh giá tính năng và hiệu quả thật sự của nó. Tiếp theo F/A 18 E/F Super Hornet, các loại máy bay chiến đấu khác là F-16 của Lockheed Martin (Mỹ), Rafale của Dassault (Pháp), MiG-35 của Mikoyan-Gurevich (Nga), JAS-39 của Saab Gripen (Thụy Điển) và Eurofighter Typhoon của tổ hợp quân sự EADS/BAE (Anh, Đức, Ý và Tây Ban Nha) cũng sẽ được thử nghiệm.

Sau khi được không quân Ấn Độ sử dụng thử ở Bangalore, các loại máy bay trên sẽ tiếp tục được đưa đến vùng núi cực lạnh Himalaya, rồi đến khu vực sa mạc Rajasthan trong điều kiện khí hậu vừa nóng vừa ẩm ướt. Một quan chức quốc phòng Ấn Độ cho biết cuộc thử nghiệm đầy đủ các động tác bay sẽ kéo dài suốt một năm ở nhiều địa điểm và điều kiện thời tiết khác nhau nhằm chọn ra mẫu máy bay ưng ý nhất để hiện đại hóa lực lượng không quân nước này.

Ấn Độ đang có kế hoạch mua 126 chiến đấu cơ trị giá có thể lên đến 12 tỉ USD trong nỗ lực xây dựng một phi đội chiến đấu đa năng mới, thay thế phi đội đánh chặn MiG-21 đã lạc hậu sau một thời gian dài sử dụng. Đây là một trong những “thương vụ béo bở” nhất trong lịch sử mua sắm vũ khí của thế giới, nên các tập đoàn hàng không vũ trụ hùng mạnh nhất hành tinh đã đua nhau đăng ký tham gia với nhiều chính sách khuyến mãi đặc biệt và nhất là có sự hậu thuẫn từ chính phủ họ. Có một điểm đáng chú ý là lần đầu tiên các tập đoàn quân sự Mỹ tham gia đấu thầu cung cấp máy bay chiến đấu đa năng cho Ấn Độ, vốn bị cấm trước đây.

Xét về mối quan hệ hợp tác quân sự truyền thống và giá cả cạnh tranh, Mikoyan-Gurevich của Nga có vẻ chiếm ưu thế hơn trong cuộc cạnh tranh này. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng chính quyền Ấn Độ hiện nay muốn đa dạng hóa nhà cung cấp và mở rộng mối bang giao quân sự. Trong khi đó, Lockheed Martin của Mỹ chào hàng loại F-16 đã được nâng cấp, nói rằng đây là mẫu máy bay chiến đấu “hoàn toàn mới”, được trang bị hệ thống radar tiên tiến có khả năng phát hiện cùng lúc nhiều mục tiêu và hủy diệt các mối đe dọa trên không và dưới mặt đất. Họ còn cam kết nếu thắng thầu sẽ chia sẻ công nghệ tên lửa đánh chặn hiện đại Patriot cho New Delhi. Saab Gripen của Thụy Điển thì hứa sẽ chuyển giao toàn bộ công nghệ và hệ thống vũ khí hiện đại cho chiến đấu cơ JAS-39. Dassault của Pháp thì cho biết sẽ cung cấp 40 chiếc Rafale thế hệ mới có chức năng phát hiện mục tiêu nhanh. Còn EADS/BAE của 4 nước châu Âu cam kết nếu bán được 126 chiếc Eurofighter Typhoon sẽ “boa” thêm công nghệ chế tạo máy bay chiến đấu hạng nhẹ cho công ty Hindustan Aeronautic Limited (HAL) của Ấn Độ.

Được biết, 126 máy bay chiến đấu đa năng là một phần trong kế hoạch mua sắm trang thiết bị quân sự trị giá 50 tỉ USD từ nay đến năm 2012 của Ấn Độ, trong đó có 30 tỉ USD là nhập khẩu. Điều kiện của gói thầu này là các nhà sản xuất phải mang công nghệ sang Ấn Độ chế tạo 108 chiếc. Các nhà phân tích cho rằng kế hoạch mua sắm quân sự được công khai khá rầm rộ của New Delhi nhằm hạn chế tình trạng tham nhũng trong đấu thầu gây bất bình dư luận, đồng thời thể hiện sự minh bạch trong chi tiêu quân sự với cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, người ta cũng cho rằng đây là hình thức phô trương tiềm lực quân sự tương lai của Ấn Độ trong cuộc chạy đua vũ trang với Trung Quốc và Pakistan.

KIẾN HÒA
(Theo Reuters, Asiasentinel, BBC)

Chia sẻ bài viết