07/09/2015 - 10:29

Châu Thành A hôm nay

Nằm giữa tuyến đường nối Vị Thanh- Cần Thơ, lại có quốc lộ 1 nối liền quốc lộ 61 đi qua, có tỉnh lộ 931B dọc theo Kinh xáng Xà No… nên huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế- xã hội, giúp bà con dân tộc thiểu số thoát nghèo.

Chúng tôi trở lại thị trấn Bảy Ngàn vào một ngày trời mưa tầm tã, anh Danh Oanh Na, Quyền Trưởng phòng Dân tộc huyện Châu Thành A, nói: "Đợi ngớt mưa là mình có thể đi thẳng xuống các ấp của thị trấn Bảy Ngàn mà không sợ đường sá sình lầy đâu. Bây giờ, các tuyến đường nơi có nhiều bà con dân tộc Khmer sinh sống đều được đan hóa, nhựa hóa, xe cộ đi lại rất thuận tiện". Rồi anh Oanh Na kể về tuyến đường vào ấp 4A- cặp theo tuyến kinh Tám Ngàn trước đây sình lầy, bà con đi lại chủ yếu bằng ghe, xuồng, nay đã thay đổi hoàn toàn nhờ được đan hóa, thẳng tắp, xe máy tấp nập, nhất là thời điểm tan trường, từng tốp học sinh chạy xe thong dong dưới hàng bạch đàn mát rượi. Đây cũng là hình ảnh của ấp Trường Thắng, xã Trường Long A ngày nay. Trước đây, khi nhắc đến ấp Trường Thắng- dọc theo tuyến kinh Bà Đầm, ai cũng nghĩ đến một nơi rất xa, muốn vào ấp chỉ có thể đi bằng đường thủy. Giờ đây, cứ theo tuyến Bốn Tổng – Một ngàn rẽ xuống dốc cầu là chạy xe bon bon vào tận cuối ấp Trường Thắng. Không chỉ có ấp 4, ấp Trường Thắng mà 7/7 ấp đặc biệt khó khăn của huyện Châu Thành A giờ đã thay da đổi thịt. Những tuyến đường cũ kỹ, sình lầy và đầy cầu khỉ trước đây được thay thế bằng đường đan, đường nhựa, những cây cầu bê tông vững chắc tạo sự liền mạch trên suốt các tuyến đường liên ấp. Khoảng cách giữa vùng sâu và trung tâm huyện thị đã gần hơn rất nhiều. Chị Huyên’Nê, ấp 4, chia sẻ: "Ngày trước, mấy tháng trời tôi mới đi chợ huyện một lần, còn bây giờ chạy xe gắn máy, chưa đến 30 phút là đến chợ Một Ngàn rồi, tha hồ mua sắm".

Nước sạch đến ấp Trường Thắng, xã Trường Long A.

Khi giao thông nông thôn phát triển, đời sống kinh tế và văn hóa tinh thần của bà con cũng được nâng lên. Chuyện học hành, chuyện làm ăn cũng dễ dàng hơn. Anh Đặng Vũ, ấp 4, nói: "Tôi được hỗ trợ mua máy bơm nước, không chỉ bơm cho ruộng nhà, tôi thường xuyên đi bơm nước thuê để có đồng ra đồng vô. Hết mùa lúa là tôi chạy xe ra chợ Một Ngàn phụ đứa em làm máy photocopy cũng có thu nhập. Trước đây, thời điểm nông nhàn là mấy anh em quanh quẩn trong nhà rồi tụ tập đi nhậu chứ không biết làm gì cho hết ngày". Có thu nhập ổn định, biết tiết kiệm chi tiêu, nhà anh Vũ đã thoát nghèo, đứa con trai duy nhất của anh cũng đang học lớp 12. Chia sẻ với chúng tôi, bà Vũ Thị Hoa, Trưởng ấp 4, cho biết: "Ấp 4 có mấy chục học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) đều được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các em đi học được nhận trợ cấp hằng tháng nên không còn tình trạng bỏ học nữa". Theo anh Oanh Na, năm học vừa qua (2014-2015), tổng số học sinh DTTS trên địa bàn huyện Châu Thành A là 404 học sinh, trong đó, có 146 học sinh theo học nội trú tại Trường Dân tộc Nội trú Himlam. Tỷ lệ huy động học sinh DTTS ra lớp luôn đạt chỉ tiêu đề ra, không có trường hợp bỏ học không lý do. Để đạt được thành quả trên, theo thầy Nguyễn Huỳnh Đức, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành A, ở những địa bàn có đông đồng bào dân tộc sinh sống, trường lớp luôn được ngành giáo dục ưu tiên đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để học sinh vào học.

Nói về hiệu quả các chương trình đầu tư của Đảng, Nhà nước dành cho vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống, anh Danh Oanh Na, cho biết: "Từ năm 2008-2014, tổng nguồn vốn của Trung ương và tỉnh đầu tư phát triển vùng có đông đồng bào DTTS gần 26 tỉ đồng. Từ nguồn đầu tư này đã cơ bản làm thay đổi vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống: đường sá đi lại thuận tiện, trường học khang trang, trạm y tế đạt chuẩn, nước sạch, điện an toàn được kéo đến từng hộ dân… Chị Thạch Thị Kim Hai, ở thị trấn Bảy Ngàn, nói: "Trước đây, nhà tôi xài nước dưới kênh Bảy Ngàn không được vệ sinh lắm, khi Nhà nước kéo đường ống dẫn nước tới nhà, cho đồng hồ nước luôn, nên nhà tôi được xài nước sạch, ai nấy đều thích". Còn anh Thạch Phol cũng ở thị trấn Bảy Ngàn thì phấn khởi vì được hỗ trợ và tư vấn nuôi gà Bến Tre. Anh Phol chia sẻ: "Tôi làm thuê mỗi ngày để chi tiêu, còn gà là để tiết kiệm có số vốn lo cho gia đình".

Có thể nói, những chính sách đầu tư đặc thù của Nhà nước dành cho đồng bào DTTS ở huyện Châu Thành A đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, theo anh Oanh Na, điều mà cán bộ làm công tác dân tộc ở đây băn khoăn chính là tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn khá cao so với mặt bằng chung. Tìm ra giải pháp để hộ DTTS giảm nghèo nhanh trong thời gian tới là trách nhiệm của các ngành, các cấp nơi đây để bà con có cuộc sống khấm khá hơn lên.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết