01/10/2017 - 07:26

Châu Âu nín lặng chờ cuộc trưng cầu dân ý ở Catalonia 

Nhằm đảm bảo cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề độc lập của xứ Catalonia (Tây Ban Nha) được tiến hành vào hôm nay, những người ủng hộ từ hôm 29-9 đã bắt đầu chiếm giữ một số địa điểm bỏ phiếu, trong khi hàng ngàn người khác tuần hành tại thủ phủ Barcelona.

Được biết, cả Chính phủ và Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha đều đã tuyên bố cuộc trưng cần dân ý trên là bất hợp pháp. Và trong suốt 10 ngày vừa qua, giới chức xứ sở đua bò tót đã tăng cường các động thái ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý, bắt giữ 14 quan chức cấp cao vùng  Catalonia, đóng cửa các trang web trưng cầu dân ý và thu giữ hàng triệu lá phiếu. Mới hôm 27-9, Tòa Thượng thẩm Catalonia đã yêu cầu cảnh sát địa phương và quốc gia ngăn chặn việc dùng các tòa nhà công làm trạm bỏ phiếu, cũng như phải thu giữ bất kỳ tài liệu nào có liên quan tới cuộc trưng cầu dân ý.

Người ủng hộ xứ Catalonia độc lập trong một cuộc biểu tình tại thành phố Barcelona (Tây Ban Nha). Ảnh: AP

Tuy vậy, trong buổi họp báo tối 29-9, chính quyền Catalonia đã thông báo kế hoạch dành cho cuộc trưng cầu dân ý về độc lập, khẳng định hơn 7.200 nhân viên sẽ phục vụ tại 2.315 trạm bỏ phiếu trên khắp vùng này. Họ cũng trưng ra các thùng phiếu bằng nhựa và dự đoán rằng có 60% trong số 5,3 triệu cử tri đủ tư cách của Catalonia sẽ đi đến các địa điểm bỏ phiếu ngày 1-10 bất chấp sự phản đối của phía chính phủ, cảnh sát và tòa án Tây Ban Nha.

 “Người dân Catalonia sẽ có thể bỏ phiếu. Ngay cả khi có ai đó tấn công một trạm bỏ phiếu, thì người dân Catalonia vẫn có thể bỏ phiếu”-  ông Oriol Junqueras, Phó thủ hiến vùng Catalonia, quả quyết. Trước đó, các kết quả thăm dò cho thấy tuy 7,5 triệu công dân Catalonia vẫn còn chia rẽ xung quanh vấn đề độc lập, nhưng đa số đều muốn tham gia một cuộc trưng cầu hợp pháp để giải quyết vấn đề này.

Cũng trong hôm 29-9, Bộ Nội vụ Tây Ban Nha đã điều động bổ sung hàng ngàn cảnh sát tới Catalonia, trong khi Bộ Cơ sở hạ tầng nước này thông báo rằng không phận trên thành phố Barcelona sẽ bị đóng cửa đối với trực thăng và chiến đấu cơ hạng nhẹ cho đến ngày 2-10. Ông Josep Lluís Trapero, người đứng đầu lực lượng cảnh sát vùng Catalonia, đã ra lệnh cho nhân viên phải sơ tán và đóng cửa các điểm bỏ phiếu trước 6 giờ ngày 1-10, tức trước khi cuộc bỏ phiếu dự kiến bắt đầu lúc 9 giờ cùng ngày.

Quan ngại trước diễn biến phức tạp tại vùng Catalonia và nguy cơ đụng độ giữa cảnh sát với người tham gia bỏ phiếu, nhiều quốc gia châu Âu - trong đó có Đức và Hà Lan - đã kêu gọi những công dân của họ đang có mặt tại đây phải thận trọng trước thềm cuộc trưng cầu dân ý. Sự kiện này được xem là một trong những cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất đối với Tây Ban Nha, kể từ khi nước này khôi phục nền dân chủ sau cái chết của nhà độc tài, Tướng Francisco Franco (năm 1975). Theo hãng tin AP, lãnh đạo các quốc gia châu Âu đang quan ngại và theo dõi sát sao cuộc trưng cần dân ý tại Catalonia. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) lại im hơi lặng tiếng sau khi giới chức Catalonia yêu cầu Brussels không trực tiếp can thiệp vào vấn đề nội bộ này.

Một kết quả “có” cho nền độc lập của xứ Catalonia không chỉ làm suy yếu nghiêm trọng nền kinh tế và vị thế chính trị-an ninh của Tây Ban Nha trong lòng EU và thế giới, mà còn kéo theo những hậu quả chính trị khó lường tương tự ở một vài nơi khác tại lục địa già.

Theo BBC, tuy là nơi sinh sống của chỉ 15% dân số Tây Ban Nha, nhưng vùng Catalonia đóng góp tới 19% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho đất nước. Khu vực giàu có nằm ở phía Đông Bắc này đóng góp 25,6% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu và thu hút được 20,7% tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào Tây Ban Nha.

NGUYỆT CÁT (Theo AFP, Guardian)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Catalonia