30/03/2009 - 09:51

Chất xám hồi hương

Trong mấy thập niên qua, nước Mỹ được coi là miền đất hứa đối với nhiều thanh niên Ấn Độ, những người tin rằng nếu lấy được bằng cấp của các đại học danh tiếng ở Mỹ sẽ có cơ hội làm việc tại trung tâm tài chính Wall Street hay “thủ phủ công nghệ” Silicon. Vì thế, từ năm 2001 đến nay, theo đại sứ quán Mỹ tại New Delhi, Ấn Độ là quốc gia có lượng người theo học ở Mỹ lớn nhất, chiếm khoảng 15% trong tổng số du học sinh quốc tế tại các đại học và cao đẳng xứ cờ hoa.

 Sinh viên Ấn Độ tại một quán cà phê Internet ở Bangalore. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, khi nền kinh tế số một thế giới lâm vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ hàng chục năm qua, “giấc mơ Mỹ” đối với nhiều thanh niên Ấn dần bị nhạt nhòa và họ bắt đầu chọn lựa các đại học cũng như tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp ngay tại quê hương mình. Mới cách đây 4 năm, gần như bất kỳ sinh viên Ấn Độ nào cũng khẳng định rằng họ muốn sinh sống và làm việc ở Mỹ. Tuy nhiên, ngày nay, theo dự báo của Wadhwa, phó giáo sư Đại học Duke và là nhà nghiên cứu cao cấp của Trường Luật Harvard, trong vòng 5 năm tới sẽ có khoảng 100.000 lao động lành nghề người Ấn từ Mỹ trở về. Wadhwa cho biết phần lớn du học sinh Ấn Độ tại Mỹ đều có kế hoạch hồi hương, còn số khác dự định ở lại làm việc để trả nợ vay, nhưng họ không chắc mình có thể tìm được việc làm hay không. Hiện tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đang ở mức cao nhất trong vòng 26 năm trở lại đây, vậy mà các công ty công nghệ lại có kế hoạch chuyển hướng hoạt động sang các thị trường có giá nhân công rẻ như Ấn Độ và một số nước khác. Đây quả thật là cơ hội ngàn vàng mang lại việc làm cho thanh niên có tay nghề cao tại Ấn Độ.

Cùng với làn sóng chất xám hồi hương, nhiều sinh viên Ấn Độ cũng thay đổi kế hoạch sang Mỹ học tập. Rahul Dutta, 23 tuổi, là một trong những người như thế. Anh cho biết ý định ban đầu của mình là sang Mỹ học lấy bằng thạc sĩ và tìm kiếm việc làm luôn, nhưng nay bắt đầu ngộ ra rằng ở Mỹ đâu dễ kiếm việc làm và cũng chẳng có vốn dành cho du học sinh vay nữa. Rốt cuộc, Dutta quyết định đăng ký vào một đại học ở New Delhi. Tại Mỹ, sinh viên phải chi tiêu khoảng 50.000 USD trong thời gian 2 năm học, mà số tiền này phần lớn có được từ các khoản vay. Ngày nay, du học sinh không dễ gì vay được do tình hình tài chính tại Mỹ gặp khó khăn. Quan trọng hơn, cơ hội việc làm cho người nước ngoài sẽ không được đảm bảo khi mà chính quyền Barack Obama đang chịu sức ép phải hạn chế cấp giấy phép tuyển lao động tạm thời cho người nước ngoài. Năm ngoái chỉ có 55.000 sinh viên Ấn Độ dự tuyển vào các chương trình sau đại học ở Mỹ, giảm hơn 20% so với năm 2007.

Tại Ấn Độ, ngoài cơ hội việc làm đang có dấu hiệu khởi sắc, chi phí học tập lại rất thấp. Chẳng hạn, tại Viện Công nghệ Ấn Độ, một trong những trường nằm trong mạng lưới đào tạo công nghệ và kỹ sư danh giá nhất quốc gia, sinh viên chỉ tốn khoảng 1.200 USD/năm. Học tập tại nước nhà rõ ràng “lợi cả đôi đường”.

PHÚC GIA AN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết