21/10/2014 - 20:24

CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO Ở CẦN THƠ

Chật vật nguồn tuyển, khó khăn cơ sở vật chất

Nguồn tuyển sinh thiếu, gặp khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giảng viên,… là vấn đề mà đại diện các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), nghề (gọi chung là cơ sở đào tạo) băn khoăn tại cuộc họp giữa lãnh đạo TP Cần Thơ với các cơ sở đào tạo trên địa bàn TP Cần Thơ vào giữa tháng 10.

* Thiếu nguồn tuyển sinh

Kỳ tuyển sinh năm 2014 sắp kết thúc nhưng với các cơ sở đào tạo TCCN, dạy nghề thì "dư âm" vẫn còn, bởi hầu như các đơn vị tuyển không đủ chỉ tiêu. Ông Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường TC Đại Việt Cần Thơ, cho biết: Tuyển sinh các ngành TC trước đây khó khăn, giờ càng chật vật hơn. Bởi hiện có khoảng 100 trường ĐH, CĐ gởi đề án tuyển sinh về Bộ GD&ĐT, đều xét tuyển căn cứ vào kết quả học bạ THPT của học sinh chủ yếu là của lớp 12. Các em chỉ cần đạt điểm trung bình năm lớp 12 đạt từ 5.2 điểm trở lên là có khả năng đậu ĐH. Còn theo Thạc sĩ Nguyễn Trọng Sơn, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Cần Thơ, hơn 3 năm qua, việc tuyển sinh vào các ngành TC hết sức khó khăn, tuyển không đủ chỉ tiêu; thậm chí một số ngành (may, hàn) không tổ chức được do thiếu nguồn tuyển.

Các cơ sở giáo dục ĐH khác ở TP Cần Thơ cũng gặp tình trạng tương tự như: Trường ĐH Tây Đô (tuyển được 16% chỉ tiêu bậc TC); ĐH Nam Cần Thơ (tuyển 7,1% chỉ tiêu bậc TC); CĐ Nghề Du lịch (tuyển 22,7% chỉ tiêu bậc TC);… Các trường ĐH, CĐ "đàn anh" còn tuyển khó huống hồ các trường TCCN "đàn em" như: Trường TC Bách Nghệ (đạt 8%), Trường TC Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ (đạt 17,5%),... Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Sơn cho rằng: Học sinh vào học nghề có nhiều đối tượng và nhu cầu khác nhau. Theo quy định, học sinh tốt nghiệp THCS phải vừa học chữ vừa học nghề; trong khi người học "ngán" học các môn văn hóa. Bên cạnh đó, nhiều học sinh học nghề có tâm lý sợ vất vả, ra trường làm việc cực nhọc, lương thấp… Còn Phó Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ Châu Hồng Thái, phân tích: "Xã hội còn quan niệm quan trọng bằng cấp nên hầu hết phụ huynh học sinh có tâm lý học ĐH. Khi nào "hết đường" mới vào học TC và học nghề".

Sinh viên Trường CĐ Nghề Cần Thơ trong giờ học thực hành.

* Hạn chế cơ sở vật chất

Những năm qua, mạng lưới cơ sở đào tạo ở thành phố phát triển khá mạnh về qui mô, ngành nghề và hình thức đào tạo. Tuy nhiên, hạn chế của các cơ sở đào tạo hiện nay là thiếu kinh phí, diện tích đất để xây dựng để mở rộng quy mô. Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Cần Thơ Trần Ngọc Hùng, nói: 10 năm trở lại đây, qui mô, ngành nghề đào tạo của trường đều tăng; cung cấp lực lượng cán bộ y tế khá lớn cho TP Cần Thơ và ĐBSCL. Tuy nhiên, trường đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất vì diện tích của trường bị thu nhỏ do mở rộng đường Nguyễn Văn Cừ và Võ Văn Kiệt. Để khắc phục khó khăn này, 3 năm qua, UBND thành phố tạo điều kiện để trường mượn cơ sở đào tạo tại Công ty 586 và tiếp tục thuê năm thứ 4. Ông Hùng kiến nghị: "UBND thành phố chấp thuận chủ trương cho trường mua cơ sở đào tạo tại Công ty 586. Sở Y tế, chủ đầu tư Dự án xây dựng và mở rộng Trường CĐ Y tế, sớm lấy ý kiến các sở liên quan và trình UBND thành phố phê duyệt, triển khai năm 2014".

Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ (nâng cấp trên cơ sở Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ) "lên" ĐH hơn 1 năm nay nhưng cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu. Trong khi lãnh đạo thành phố đã cam kết với Đoàn thẩm định Bộ GD&ĐT chuẩn bị mọi điều kiện về diện tích đất, cơ sở vật chất, con người, đảm bảo trường hoạt động thuận lợi. Song, thời hạn 3 năm tái thẩm định Dự án đầu tư xây dựng trường ĐH gần kề nhưng cơ sở 2 (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy) chưa giải phóng mặt bằng vì thiếu kinh phí. Vì thế, trường rất mong UBND thành phố bố trí vốn giải tỏa đền bù để đẩy nhanh tiến độ dự án. Còn theo bà Nguyễn Thị Tốt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường TC Y Dược Mekong, khi mới thành lập, lãnh đạo trường được UBND thành phố hứa bố trí diện tích đất ở khu vực Bình Trung (phường Long Hòa, quận Bình Thủy), nhưng đến nay trường vẫn chưa nhận được văn bản chính thức về vấn đề này để có thể triển khai xây dựng cơ sở vật chất.

Tương tự, Trường TC Văn hóa - Nghệ thuật Cần Thơ đang định hướng phát triển thành trường cao đẳng nhưng diện tích đất sử dụng rất hạn chế, thiếu nhà thư viện - thực hành… ít nhiều ảnh hưởng hoạt động dạy và học. Do đó, trường đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư sớm ghi vốn công trình Nhà thư viện - Thực hành - Thể nghiệm được UBND thành phố phê duyệt chủ trương. Đối với cơ sở 2 (phường Long Tuyền) của trường, diện tích đất đã giảm từ 7,46 ha xuống còn 6,48 ha nhưng chưa có quyết định giao đất mới nên rất cần Sở Tài nguyên- Môi trường quan tâm tham mưu với UBND TP Cần Thơ sớm giải quyết khó khăn.

* Cần sớm gỡ khó

Thời gian qua, một số trường như: ĐH Cần Thơ, ĐH Y Dược Cần Thơ, ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, CĐ Nghề Cần Thơ… đã cùng nhau hợp tác hoặc các trường hợp tác với các doanh nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực, giúp các trường phát triển. Liên kết giữa các trường còn giúp đôi bên chia sẻ nguồn tuyển sinh, tránh tình trạng trường thừa, trường thiếu nguồn tuyển; nhất là hạn chế tình trạng đào tạo trùng lắp giữa các trường. Tại cuộc họp giao ban giữa lãnh đạo TP Cần Thơ với các cơ sở đào tạo, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Thanh Mẫn nói: "Liên kết đào tạo còn giúp các trường nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội. TP Cần Thơ tự hào có Trường ĐH Cần Thơ đóng trên địa bàn, đây là ngôi trường có bề dày phát triển và uy tín, sẵn sàng hỗ trợ các trường khác. Do đó, các trường cần tăng cường hợp tác hơn nữa trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học; phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên...". Đối với những vướng mắc về việc quy hoạch, đầu tư xây dựng ở các trường, lãnh đạo TP Cần Thơ khẳng định sẽ sớm rà soát, tạo điều kiện tối đa để các trường mở rộng cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu đào tạo. Tại cuộc họp này, lãnh đạo thành phố cũng chỉ đạo một số nội dung cụ thể là: Với một số trường còn khó khăn về diện tích đất để mở rộng qui mô đào tạo, như: Trường CĐ Y tế Cần Thơ, sở ngành phải quan tâm xây dựng dãy phòng học mới ngay cơ sở hiện nay. Còn cơ sở 2 của Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, trước mắt ghi vốn giải phóng mặt bằng 5ha trong tổng số hơn 17ha. Ngoài ra, các trường cũng cần tranh thủ thêm các nguồn lực đầu tư khác từ đào tạo ngoài chính quy, hợp tác quốc tế,… để phát triển trường, bởi nguồn ngân sách thành phố có hạn. Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Theo quy hoạch chung của TP Cần Thơ, đến năm 2020 sẽ có 15 trường ĐH đóng trên địa bàn. Lãnh đạo thành phố luôn ủng hộ việc thành lập mới, nâng cấp các trường để tạo điều kiện cho học sinh của Cần Thơ và ĐBSCL đến học tập.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết