 |
Dân Okinawa phản đối sự hiện diện của lính Mỹ trên hòn đảo của họ. |
"Hiệp ước hạt nhân bí mật" được ký kết năm 1969 giữa Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Thủ tướng Nhật Eisaku Sato cuối cùng cũng được phơi bày ra ánh sáng. Tuy nhiên, dư luận xứ hoa anh đào cho rằng “sự lừa dối chính trị” của các thế hệ chính quyền trước đây đã kéo dài đến hơn 40 năm, một thời gian chờ đợi quá sức chịu đựng đối với những người yêu chuộng hòa bình và phản đối sự hiện diện của vũ khí hủy diệt hàng loạt tại đất nước mình và trên toàn thế giới. Đành rằng Nhật thời bấy giờ đang nằm trên cái “phao an ninh” của Mỹ nên Tokyo phải nương theo Nhà Trắng, nhưng một thỏa thuận quan trọng như vậy không thể ém nhẹm mãi trong một xứ sở dân chủ như Nhật.
Hơn nữa, việc Tokyo cho phép Washington triển khai vũ khí hạt nhân trên tàu chiến ở vùng biển nước này trong trường hợp khẩn cấp (như xảy ra xung đột với Trung Quốc, Bắc Triều Tiên) mà không cần tham khảo ý kiến của chính quyền sở tại là vi phạm Hiến pháp hòa bình và 3 nguyên tắc phi hạt nhân ban hành năm 1967 của nước này (không sản xuất, không sở hữu và không sử dụng vũ khí hạt nhân). Thế nên, Ngoại trưởng Katsuya Okada tuyên bố việc phanh phui “hiệp ước hạt nhân bí mật” là một nỗ lực khôi phục lại lòng tin của công chúng đối với nền dân chủ và chính sách nhất quán của đất nước. Phần lớn người dân xứ Mặt trời mọc “dị ứng” với vũ khí hạt nhân bởi Nhật là quốc gia duy nhất trên thế giới là nạn nhân của loại vũ khí này, khi hứng chịu 2 quả bom nguyên tử của Mỹ hồi cuối Đệ nhị thế chiến.
Thật ra, sự tồn tại của “Hiệp ước hạt nhân bí mật” giữa Tokyo và Washington từng bị tiết lộ từ năm 1999 bởi một viện nghiên cứu tư nhân tại Mỹ. Báo Nhật Asahi năm 2001 cũng cho biết họ có trong tay phiên bản của tài liệu mật nói về thỏa thuận này. Và trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2009, đảng Dân chủ của ông Yukio Hatoyama cam kết sẽ điều tra vấn đề này nếu đắc cử. “Cây kim trong bọc có ngày lòi ra” rõ ràng là một kết quả được báo trước, chứ không có gì quá bất ngờ. Thế nhưng, theo các nhà phân tích, việc công bố thỏa thuận hạt nhân bí mật vào thời điểm dư luận đảo Okinawa (nơi có 2/3 trong tổng số 47.000 lính Mỹ tại Nhật Bản đồn trú) muốn Lầu Năm Góc rút quân đội ra khỏi khu vực này sẽ giúp Thủ tướng Hatoyama “tự tin hơn” trước quyết định thay đổi thỏa thuận liên quan đến căn cứ quân sự Futenma mà chính quyền tiền nhiệm đã ký kết với Mỹ năm 2006.
Theo giới quan sát, “Hiệp ước hạt nhân bí mật” bị phát hiện tuy có thể làm Nhà Trắng “chột dạ”, nhưng việc họ có chấp nhận di dời căn cứ quân sự Futenma ra khỏi đảo này hay không lại là chuyện khác.
KIẾN HÒA (Theo Le Monde, IIDSA)