10/05/2019 - 09:54

Căng thẳng Mỹ- Iran leo thang từng ngày 

Chính quyền Mỹ hôm 8-5 lại áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran, lần này nhằm vào lĩnh vực phi dầu mỏ, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước liên tục leo thang đến mức nguy hiểm trong những ngày gần đây.

Ông Trump (trái) và ông Rouhani.

Ông Trump (trái) và ông Rouhani.

Trong tuyên bố, Nhà Trắng nêu rõ sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump nhắm vào doanh thu của Tehran từ xuất khẩu kim loại công nghiệp, bao gồm sắt, thép, nhôm và đồng - chiếm 10% kinh tế xuất khẩu của nước này. Lãnh đạo Mỹ còn cảnh báo Cộng hòa Hồi giáo sẽ còn hứng thêm các hành động cứng rắn nếu nước này không thay đổi hành vi.

Iran dọa chế tạo bom hạt nhân?

Thông báo trên được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani quyết định ngừng thực hiện một số cam kết trong thỏa thuận Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà nước này ký với nhóm cường quốc P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) cách đây 4 năm. Iran không tiếp tục tuân thủ những giới hạn mà họ cam kết trong việc làm giàu uranium và khôi phục lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak với lý do đây là biện pháp cần thiết để “đảm bảo quyền lợi và lấy lại cân bằng” sau khi Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận hồi tháng 5-2018. JCPOA được coi là thành công lớn trong nỗ lực ngoại giao quốc tế, song chủ nhân Nhà Trắng chỉ trích văn kiện này còn thiếu sót do không hạn chế chương trình tên lửa đạn đạo và “những hoạt động quấy rối” của Iran trong khu vực. JCPOA vốn quy định việc dỡ bỏ dần các biện pháp trừng phạt quốc tế chống Iran để đổi lại nước này ngừng chương trình hạt nhân vì mục đích quân sự, bao gồm hạn chế làm giàu uranium trong 10 năm đầu sau thỏa thuận. Ngoài ra, Tehran chỉ có thể làm giàu uranium lên mức 3,67%.

Theo phát biểu của ông Rouhani, Iran sẽ khởi động việc dự trữ thêm uranium làm giàu thấp và nước nặng - loại được sử dụng trong các lò phản ứng hạt nhân và có thể chế tạo bom. Thỏa thuận buộc Tehran xuất khẩu các vật liệu này sang những nước khác. Ngoài ra, ông Rouhani cũng dành cho các bên của thỏa thuận JCPOA, chủ yếu là các nước châu Âu, 60 ngày để thực hiện cam kết liên quan đến lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng. Nếu không, Tehran sẽ làm giàu uranium trở lại mức bị cấm trước đây. Làm giàu uranium vượt cấp độ 3,67% có thể giúp Iran tiến gần hơn việc sở hữu vũ khí hạt nhân. Nhà lãnh đạo Iran không tiết lộ cấp độ làm giàu uranium, song người đứng đầu chương trình hạt nhân nước này tái khẳng định Tehran có thể đạt 20% chỉ trong vòng 4 ngày. Theo các nhà khoa học, khi uranium được làm giàu lên đến mức này, thì thời gian để đạt tới ngưỡng 90% (cấp độ có thể sản xuất vũ khí hạt nhân) coi như giảm được phân nửa.

Mỹ chỉ “gây áp lực tối đa”?

Quan hệ Washington - Tehran trở nên đáng lo ngại khi chính quyền ông Trump cuối tuần rồi tuyên bố triển khai một nhóm tác chiến tàu sân bay và máy bay ném bom đến Trung Đông để đáp trả những gì họ cho là “dấu hiệu bất ổn và cảnh báo” từ Iran. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Iran và các đồng minh lên kế hoạch cho các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng của Washington tại Trung Đông, còn Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton dọa sẽ đáp trả “không khoan nhượng” bất kỳ đòn tấn công nào của Tehran. Theo các nguồn thạo tin, thông tin tình báo cho rằng Iran sắp đưa tên lửa đạn đạo tầm ngắn lên các tàu chiến ở vùng Vịnh là một trong những nguyên nhân chính khiến Lầu Năm Góc phái nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln và nhiều oanh tạc cơ B-52 tới đây. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang xem xét điều thêm cả hỏa lực đến khu vực trên, bao gồm các hệ thống đánh chặn tên lửa, có thể là Patriot. Washington hy vọng chiến lược công khai tuyên bố điều động khí tài hùng hậu sẽ ngăn chặn Tehran hành động.

Nhà Trắng khẳng định sẽ tiếp tục chiến dịch “gây áp lực tối đa” cho đến khi chính quyền Tehran ngừng “hỗ trợ các nhóm khủng bố”, chấm dứt các “hoạt động phá hoại” trong khu vực, từ bỏ nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, Iran bác bỏ cáo buộc, nhấn mạnh việc phát triển tên lửa đạn đạo không liên quan đến hoạt động hạt nhân và hoàn toàn nhằm mục đích tự vệ, trong khi việc họ hỗ trợ các đồng minh ở Trung Đông không dính dáng đến Washington.

Tổng thống Trump đã tung ra nhiều biện pháp cứng rắn đối với Iran kể từ khi ông rút Washington khỏi thỏa thuận lịch sử, bao gồm tái áp đặt các lệnh trừng phạt và mở chiến dịch cô lập quốc gia hơn 81 triệu dân này. Tháng rồi, Nhà Trắng thậm chí liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách “tổ chức khủng bố”. Mục đích của ông Trump là gây sức ép dữ dội lên Tehran để nước này không còn lựa chọn nào ngoài việc thay đổi hoàn toàn hành vi, nhưng nó có nguy cơ đẩy hai quốc gia đến bờ vực chiến tranh.

Cựu Ngoại trưởng Clinton chỉ trích ông Trump

Nước cờ gây sức ép quyết liệt của Mỹ đã hứng chịu những chỉ trích. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vừa lên tiếng phê phán chiến dịch “gây áp lực tối đa” của chính quyền ông Trump lên Iran. Bà cho rằng các lệnh trừng phạt mà Washington áp đặt lên Tehran gần đây cũng như điều động tàu sân bay và máy bay ném bom chỉ làm xấu thêm quan hệ song phương vốn đã rạn nứt từ khi Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Iran và Nga cũng đổ lỗi cho Washington vì đã khiến Tehran phải đi đến quyết định ngừng chấp hành một số giới hạn liên quan chương trình hạt nhân. “Tổng thống Nga Vladimir Putin liên tục nói đến hậu quả của những bước đi khó lường đối với Iran và tôi hiểu đó là quyết định từ bỏ thỏa thuận hạt nhân của Washington. Chúng tôi thấy những hậu quả này bắt đầu xảy ra”- phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rõ.

 

THANH BÌNH (Theo Fox News, Reuters)

Chia sẻ bài viết