21/07/2015 - 21:23

NGÀNH CHĂN NUÔI ĐBSCL

Cần từng bước chuyển dần sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn

Những năm qua, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đều hướng người chăn nuôi sản xuất theo hướng tập trung, chăn nuôi trang trại, công nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ vẫn duy trì và hằng năm cung ứng một sản lượng không nhỏ phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa. Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT khẳng định tiếp tục bám sát mục tiêu đề ra, song vẫn có những hỗ trợ cần thiết cho chăn nuôi nhỏ lẻ, từng bước chuyển dần sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn.

Phát triển chưa xứng tầm

 Ở ĐBSCL chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô nông hộ rất phổ biến.

Những năm gần đây, ngành chăn nuôi của TP Cần Thơ chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang các loại hình chăn nuôi tập trung trang trại, gia trại theo hướng sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ trong nông hộ gắn liền với đất ở và tận dụng thức ăn dư thừa và phụ phế phẩm trong nông nghiệp vẫn tồn tại phổ biến. Số liệu thống kê đến cuối năm 2014, trên địa bàn TP Cần Thơ, số hộ chăn nuôi gà dưới 50 con chiếm tỷ lệ 95,5% trên tổng số hộ nuôi gà và chiếm 67% tổng đàn gà. Hộ chăn nuôi vịt dưới 50 con chiếm tỷ lệ 85,9% trên tổng số hộ nuôi vịt và chiếm 25,1% tổng đàn vịt. Hộ chăn nuôi heo dưới 10 con chiếm tỷ lệ 65,4% trên tổng số hộ nuôi heo và chiếm 23,9% tổng đàn heo. Ông Nguyễn Khải Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, đánh giá: "Việc đầu tư cho phát triển ngành chăn nuôi hiện nay chưa xứng tầm với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp và sự phát triển của thành phố do chi phí đầu vào luôn biến động và có xu hướng tăng. Trong khi đó, giá bán sản phẩm chăn nuôi không ổn định nên người chăn nuôi không an tâm đầu tư phát triển đàn".

Tại ĐBSCL, Trà Vinh là một trong những địa phương có đàn gia súc, gia cầm lớn nhất khu vực. Mặc dù vậy, giá trị sản xuất chăn nuôi chỉ chiếm 12,5% trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Bà Nguyễn Ngọc Hài, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, cho biết: "Những năm qua, chăn nuôi của tỉnh đạt được nhiều kết quả, song vẫn mang tính nhỏ lẻ, tự phát; chưa chủ động được thị trường và chịu nhiều rủi ro do dịch bệnh. Cũng chính vì chăn nuôi nhỏ lẻ mà việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi hạn chế. Mặt khác, việc chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ làm cho lao động trong nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng bị sụt giảm. Điều này ảnh hưởng đến việc duy trì và phát triển đàn khi ngành chăn nuôi tập trung của tỉnh vẫn chưa phát triển".

Theo các chuyên gia đầu ngành, một trong những nguyên nhân khiến ngành chăn nuôi ĐBSCL chưa khẳng định được vị thế là do khâu giống còn tồn tại nhiều bất cập. Ông Đỗ Văn Hoan, Phó trưởng phòng Gia cầm và Gia súc nhỏ, Cục Chăn nuôi, cho biết: "Giống vật nuôi yếu ở tất cả các khâu từ tổ chức bộ máy quản lý cho đến hệ thống sản xuất giống, trình độ khoa học công nghệ; tổ chức sản xuất, kinh doanh. Đơn cử như việc tổ chức sản xuất, kinh doanh, các cơ sở sản xuất và kinh doanh giống vật nuôi được xây dựng tự phát, không đăng ký; nhân giống và sản xuất giống không theo hệ thống giống; không được kiểm tra, kiểm soát. Tình trạng giống vật nuôi không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng và an toàn dịch bệnh tự do buôn bán, lưu thông. Các địa phương chưa xác định được các giống chủ lực để phát huy tính lợi thế; các công đoạn trong sản xuất giống thiếu tính liên kết nên hiệu quả không cao, giữa cung và cầu nhiều thời điểm mất cân đối". Nhiều địa phương phản ánh, việc xếp cấp, bình tuyển giống vật nuôi hiện nay chủ yếu thông qua đặc điểm ngoại hình, quá trình sinh trưởng, sinh sản và năng suất từng cá thể do hộ nuôi cung cấp. Đàn giống vật nuôi bố mẹ tại nhiều tỉnh, thành chưa cải tiến, chưa có trại giống tốt cung cấp con giống cho người chăn nuôi…

Không "triệt tiêu" chăn nuôi nhỏ lẻ

Nhiều ý kiến cho rằng, vùng ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp nói chung. Tuy nhiên, những năm qua, ngành trồng trọt được ưu tiên đầu tư còn chăn nuôi chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, Nhà nước cần đầu tư kinh phí cho công tác xây dựng cơ sở hạ tầng; nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật để ngành chăn nuôi phát triển xứng tầm. Ông Nguyễn Khải Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, đề xuất: Cục Chăn nuôi cần sớm dự thảo và trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ chăn nuôi phát triển; điều chỉnh, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn còn thiếu. Cụ thể như quy chuẩn, tiêu chuẩn thức ăn chăn nuôi bổ sung, thức ăn đậm đặc; giống heo lai giữa heo ngoại với heo nội; chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh... Ngoài ra, Bộ NN&PTNT chỉ đạo các cơ quan thuộc bộ có liên quan tạo điều kiện để các hộ nuôi tiếp cận được các giống gia súc, gia cầm có năng suất, chất lượng tốt đào tạo, tập huấn cán bộ về quản lý giống, thức ăn chăn nuôi.

Theo ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNTtỉnh Cà Mau, muốn vực dậy ngành chăn nuôi, trước hết phải hướng mục tiêu xuất khẩu. "Nếu chúng ta đầu tư mạnh tay để cải thiện tất cả các khâu giống, chuồng trại, hệ thống xử lý nước thải... thì chất lượng sản phẩm chăn nuôi chắc chắn sẽ được nâng lên. Điều này cũng đồng nghĩa giá thành sản xuất cũng đội trần. Trong khi đó, nếu sản xuất chỉ để tiêu thụ trong nước thì người dân và doanh nghiệp chẳng ai mặn mà. Riêng đối với công tác giống vật nuôi, nếu xác định đây là khâu then chốt để phục vụ tái cơ cấu ngành chăn nuôi thì cần phải đầu tư căn cơ, thậm chí phải có những giải pháp đặc thù riêng cho vùng ĐBSCL"-ông Nguyễn Văn Tranh nói.

Thống kê của Cục Chăn nuôi đến tháng 10-2014, tại ĐBSCL:

- Tổng đàn bò đạt 977.873 con, chiếm 13% tổng đàn bò cả nước.
- Đàn bò sữa 23.573 con, chiếm 10,4% lượng bò sữa cả nước.
- Tổng đàn heo trên 3,47 triệu con, chiếm 13% tổng đàn heo cả nước.
- Tổng đàn gia cầm trên 58,24 triệu con, chiếm 17,8% tổng đàn gia cầm cả nước.
- Toàn vùng có 908 trang trại chăn nuôi.

Tại Hội nghị "Đánh giá Công tác Giống vật nuôi tại các tỉnh ĐBSCL" vừa diễn ra ở TP Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, khẳng định: "Ngành nông nghiệp định hướng chăn nuôi tập trung theo trang trại, chăn nuôi công nghiệp nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn phải tiếp tục duy trì trong vòng 5 đến 10 năm tới. Bởi, chăn nuôi nhỏ lẻ còn là kế sinh nhai, tạo thu nhập cho nhiều bà con, nhất là vùng nông thôn. Hiện tại, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm đến 50-55% tổng sản phẩm chăn nuôi, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu nội tiêu. Vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020. Chính sách này nhằm đưa chăn nuôi nhỏ lẻ phát triển hiệu quả, an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường... Trong tương lai, một khi chăn nuôi trang trại, công nghiệp phát triển thì chăn nuôi nhỏ lẻ tự khắc sẽ giảm xuống nhường chỗ cho sản xuất theo chuỗi liên kết để các bên cùng hưởng lợi. Đây là xu thế tất yếu đảm bảo yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc khi sản phẩm chăn nuôi tham gia vào thị trường xuất khẩu...".

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết