Thủ tướng Úc Kevin Rudd cuối tuần rồi đã bổ nhiệm Bộ trưởng Nông-Lâm-Ngư nghiệp Tony Burke làm Bộ trưởng Dân số đầu tiên của nước này. Nhiệm vụ của ông Burke là trong 12 tháng tới phải đề ra một chiến lược dân số trong bối cảnh lượng người sinh sống tại xứ sở chuột túi đang tăng nhanh. Sẽ là chuyện không có gì đáng bàn nếu Úc có dân số lớn, hoặc mật độ dân số cao. Đằng này họ có diện tích lớn thứ sáu thế giới nhưng lại đứng vị trí 51 về dân số. Còn mật độ thì thuộc hàng thưa thớt nhất hành tinh với 2,9 người/km vuông. Mặt khác, chẳng phải bản thân Thủ tướng Rudd từng mạnh mẽ ủng hộ ý tưởng “đại Úc”với dân số đông đó sao.
Nhưng dĩ nhiên là có nguyên nhân khiến ông Rudd thành lập bộ mới này.
Dân số Úc hiện nay khoảng 22 triệu và theo các dự báo mới nhất sẽ lên tới 36 triệu vào giữa thế kỷ, cao hơn nhiều so với con số 28 triệu của những dự báo trước. Do đó, Thủ tướng Rudd cho rằng người Úc có lý do chính đáng để lo ngại về tính bền vững trong quá trình phát triển. Theo họ, dân số tăng nhanh sẽ gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông đô thị; thiếu hụt nhà ở, cơ sở hạ tầng. Chất lượng các dịch vụ của chính phủ cũng bị tác động. Ngoài ra, dân số tăng nhanh còn ảnh hưởng tới nguồn nước và nông nghiệp. Canberra cảnh báo bùng nổ dân số và dân số già cỗi sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế không thua gì biến đổi khí hậu, buộc chính phủ phải gia tăng chi tiêu và làm giảm tốc độ tăng trưởng. Bộ trưởng Tài chính Ken Henry hồi cuối năm ngoái cũng thừa nhận Úc chưa chuẩn bị sẵn sàng để đối phó một cách hiệu quả với những thách thức môi trường phát sinh khi dân số lên tới 35 triệu người.
Dân số Úc tăng nhanh phần lớn là do người nhập cư (hơn 20% dân số sinh ra ở hải ngoại). Để bảo đảm mức độ gia tăng một cách hợp lý cũng như nâng cao chất lượng dân số, Chính phủ Úc mới đây đã quyết định siết chặt qui định nhập cư đối với người nước ngoài, đòi hỏi họ phải có kỹ năng làm việc cao hơn và khả năng tiếng Anh tốt hơn. Để thực hiện điều này, Úc chấp nhận giảm số lượng du học sinh- nguồn thu ngoại tệ lớn thứ ba của nước này với hơn 12 tỉ USD/năm- bởi thực tế có không ít người châu Á đến Úc đăng ký các khóa học giản đơn như làm tóc, nấu ăn... rồi sau đó tìm cách ở lại lâu dài.
Hẳn có người cho rằng là đất nước giàu có (GDP bình quân đầu người 37.000 USD, đứng thứ 15 thế giới), sở hữu đất đai bao la, nguồn tài nguyên dồi dào trong khi dân số lại thưa thớt, Chính phủ Úc hành động như vậy là quá lo xa. Nhưng có câu “cẩn tắc vô ưu”, và cách làm của Canberra xem ra có thể khiến các quốc gia khác phải nhìn lại mình.
LÊ DÂN