01/11/2009 - 10:33

Liên hoan âm nhạc hội nhạc sĩ Việt Nam khu vực ĐBSCL

Cần nỗ lực tạo sức lan tỏa của âm nhạc dân tộc

Tiết mục khai mạc Liên hoan đêm
29-10-2009. Ảnh: T.V
 

Liên hoan Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam khu vực ĐBSCL diễn ra trong hai ngày 29 và 30-10-2009, tại TP Cần Thơ, đã qui tụ nhiều nhạc sĩ uy tín của Việt Nam như Lư Nhất Vũ, Phan Huỳnh Điểu, Tôn Thất Lập, Ca Lê Thuần, Thế Bảo, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Hiên... Tại Liên hoan, hơn 20 tác phẩm chọn lọc của các nhạc sĩ khu vực ĐBSCL được biểu diễn để các nhạc sĩ thẩm định, đánh giá, qua đó định hướng phát triển âm nhạc ĐBSCL trong tương lai. Phóng viên báo Cần Thơ đã ghi nhận một số ý kiến tâm huyết của các nhạc sĩ:

* Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ: Cần tổ chức nhiều chuyến đi thực tế sáng tác

 

Một trong những điều cốt lõi tạo nên diện mạo riêng cho âm nhạc ĐBSCL là sự vận dụng âm nhạc dân tộc. Qua hơn 20 tác phẩm của các tác giả đồng bằng được biểu diễn trong liên hoan lần này, tôi thấy xu hướng đó thể hiện khá rõ. Một số ca khúc đã kết hợp âm nhạc truyền thống và ca từ địa phương nhuần nhuyễn tạo nên bản sắc và ấn tượng riêng không hề lẫn với sáng tác của các vùng miền khác.

Theo tôi, để có sự hòa quyện giữa bản sắc văn hóa vùng miền trong một bản nhạc hiện đại, nhạc sĩ phải đi nhiều - nghe nhiều và lao động nghệ thuật nghiêm túc. Việc đi và nghe sẽ liên tục bồi đắp tâm hồn, giúp người sáng tác có thêm nhiều giai điệu, ca từ mới lạ và gần gũi đời sống. Lao động nghệ thuật nghiêm túc là luôn trăn trở, suy tư, tìm tòi cách thể hiện sao cho mỗi “đứa con tinh thần” ra đời sẽ đi vào lòng người để người nghe cảm thấy thêm yêu mến con người, quê hương xứ sở và tin yêu cuộc đời.

Các nhạc sĩ đồng bằng đang nối tiếp thành công của các bậc tiền nhân và hầu như không ai chạy theo lối sáng tác chụp giật. Tuy nhiên, để tạo sức bật mới cho âm nhạc đồng bằng và giúp sáng tác của các nhạc sĩ ĐBSCL hòa nhập vào đời sống âm nhạc Việt Nam, còn rất nhiều việc cần làm. Đó là chính sách khuyến khích sáng tạo và sự trân trọng của các nhà quản lý đối với lao động nghệ thuật; sự quan tâm phổ biến tác phẩm của các đài phát thanh truyền hình; khả năng tập hợp và hiệu quả hoạt động của các chi hội Nhạc sĩ, đến nỗ lực cá nhân của từng nhạc sĩ. Nếu có sự cộng tác tốt từ nhiều phía, âm nhạc ĐBSCL sẽ phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn.

* Giáo sư - Nhạc sĩ Ca Lê Thuần: Xây dựng nền tảng âm nhạc chính thống bền vững

 

Lịch sử phát triển âm nhạc Việt Nam cho thấy âm nhạc truyền thống ĐBSCL có vị trí và sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Tính dân tộc trong âm nhạc ĐBSCL đã có sự biến đổi theo thời đại, tạo nên nhiều tác phẩm tốt và có bản sắc, không lai căng. Thế nhưng, âm nhạc ĐBSCL hiện đại vẫn còn chưa phong phú, nhất là về ngữ điệu và khí nhạc. Tôi muốn nói với các nhạc sĩ đồng bằng rằng âm nhạc không chỉ có giọng điệu trầm buồn, đậm chất tự sự, mà còn có cả sự sôi động, vui tươi, dí dỏm, hài hước và cả những cung bậc hào hùng, bi tráng. Hy vọng trong thời gian tới, công chúng sẽ được thưởng thức nhiều tác phẩm mang đặc trưng sông nước Cửu Long nhưng vẫn đa dạng về phong cách.

Rất nhiều người lo ngại âm nhạc ĐBSCL thay đổi sẽ dễ dàng đánh mất bản sắc và sa đà vào nhạc thị trường, nhạc thời trang, nhất là khi đa số thính giả trẻ gần như chỉ ưa chuộng dòng nhạc này. Đó không chỉ là vấn đề của riêng ĐBSCL, mà là của cả nước. Để giữ vững tính dân tộc và nét đẹp của âm nhạc, không gì khác hơn là phải xây dựng một nền tảng âm nhạc chính thống bền vững trong cả đội ngũ sáng tác lẫn người nghe. Bởi khi có nền tảng vững chắc, thì âm nhạc chính thống vẫn là cội rễ của mọi hoạt động sáng tác, biểu diễn và cả thưởng thức âm nhạc. Đây là vấn đề có tính vĩ mô, đòi hỏi sự thay đổi trong tư duy giáo dục và nhiều biện pháp hữu hiệu của các nhà quản lý văn hóa. Trước mắt, tôi mong các chi hội Nhạc sĩ ĐBSCL sẽ tham mưu cho các nhà quản lý văn hóa địa phương những biện pháp để giới thiệu với giới trẻ nét đẹp của âm nhạc truyền thống, những sáng tác tiêu biểu nhất đậm tính dân tộc và hiện đại...

* Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Cần khai thác một cách sáng tạo âm nhạc dân gian ĐBSCL

 

ĐBSCL là vùng đất có truyền thống về âm nhạc. Trong quá khứ, những sáng tạo của các nhạc sĩ ĐBSCL đã góp phần quan trọng hình thành đờn ca tài tử, cải lương và nền tân nhạc nước nhà. Hiện nay, ĐBSCL có 60 Hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam; trong đó có nhiều nhạc sĩ, nhà lý luận phê bình có trình độ đại học, cao học. Gần đây, hoạt động sáng tác của các nhạc sĩ ĐBSCL đã hòa nhập với đời sống âm nhạc hiện đại bằng những bản nhạc nhẹ, hợp xướng, được Hội đồng Nghệ thuật của Liên hoan Âm nhạc lần này đánh giá cao. ĐBSCL thường xuyên có những buổi biểu diễn mang tính định hướng thẩm mỹ, phong phú và lành mạnh như: chương trình giới thiệu tác phẩm mới của các trung tâm văn hóa và đài phát thanh truyền hình, chuyên đề âm nhạc “Âm vang miền Tây”, “Những dòng sông hò hẹn”...

Tuy nhiên, điểm yếu của âm nhạc ĐBSCL hiện tại chính là sự đơn điệu và hạn hẹp về giai điệu, hòa âm phối khí. Cấu trúc trong nhiều tác phẩm âm nhạc của ĐBSCL đậm chất tự sự. Chính điều này khiến nhiều người nghĩ âm nhạc ĐBSCL gần như một kiểu “nói nhạc” vì chịu ảnh hưởng từ nghệ thuật nói thơ dân gian. Âm nhạc, theo tôi là sự sáng tạo và đổi mới không ngừng về phương pháp sáng tạo trên nền tảng âm nhạc dân tộc. ĐBSCL rất phong phú về chất liệu âm nhạc, như các điệu lý, câu hò, dân ca các dân tộc Kinh - Hoa - Khmer - Chăm đa dạng về ngữ điệu, từ trầm buồn đến rộn rã tươi vui, hài hước dí dỏm và cả hào hùng. Nếu biết khai thác một cách sáng tạo kho tàng âm nhạc dân gian, tôi tin chắc âm nhạc ĐBSCL sẽ có nhiều tác phẩm vượt khỏi “biên giới” châu thổ Cửu Long. Ví dụ như trong liên hoan lần này, chúng tôi được nghe một số ca khúc rất hay và khác biệt trên nền nhạc dân gian là “Ngựa ô Bảy Núi” của tác giả Mặc Tuân (An Giang), “Ca múa chợ làng” của Trần Thành (Vĩnh Long), “Sông trăng trẩy hội hoa đăng” của Sơn Ngọc Hoàng (Sóc Trăng)...

Để giúp ĐBSCL làm được những việc trên, năm 2009 - 2010, Hội Nhạc sĩ Việt Nam sẽ tổ chức trại sáng tác tại đây, nhằm cung cấp thêm cho đội ngũ nhạc sĩ đồng bằng những phương pháp hiệu quả trong vận dụng âm nhạc truyền thống vào sáng tác mới. Đồng thời, chúng tôi sẽ thường xuyên quan tâm, ủng hộ về chuyên môn cho đêm nhạc riêng của các tác giả đồng bằng. Bên cạnh đó, ĐBSCL nên quan tâm đến công tác đào tạo đội ngũ nhạc sĩ trẻ, gắn liền với giáo dục thẩm mỹ âm nhạc trong trường học. Trong thời gian tới, Hội Nhạc sĩ Việt Nam sẽ còn tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề âm nhạc ở các tỉnh thành ĐBSCL, tham mưu và kiến nghị với các nhà quản lý văn hóa những biện pháp hữu hiệu.

XUÂN VIÊN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết