Theo các nhà phân tích, Trung Quốc hiện đã mở rộng đáng kể sự hiện diện về chính trị, kinh tế lẫn quân sự trên khắp Thái Bình Dương. Chiến lược này phục vụ cho tham vọng thay đổi cán cân quyền lực của Bắc Kinh, đồng thời thúc đẩy Mỹ tăng cường phòng thủ và mở rộng liên minh trong khu vực.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc trong cuộc tập trận trên Biển Đông. Ảnh: Xinhua
Trung Quốc lâu nay đã tỏ ra không hài lòng trước những gì họ coi là sự can thiệp của Mỹ và các đồng minh tại châu Á - Thái Bình Dương. Để khẳng định ảnh hưởng, Bắc Kinh bắt đầu thách thức những mô hình tương tác thiết lập từ trước, buộc Mỹ và các bên liên quan phải coi xét lại các cách tiếp cận chiến lược.
Theo dõi quá trình này, giới chuyên môn đặc biệt lưu ý 4 lĩnh vực gắn kết với tham vọng của Trung Quốc, bao gồm cơ sở hạ tầng và tương tác ngoại giao, an ninh và các thỏa thuận chiến lược, công nghệ số và quản trị, sau cùng là khai thác mỏ biển sâu.
Ngoại giao cơ sở hạ tầng
Từ giữa những năm 2010, Trung Quốc liên tục nâng cấp phái bộ ngoại giao hiện hữu trong khu vực, mở thêm nhiều đại sứ quán mới và tăng cường đối thoại trên nhiều cấp độ khác nhau. Đây là kết quả của việc kết hợp giữa thỏa thuận song phương và dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, mở rộng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh ra khắp Thái Bình Dương. Trong đó, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đóng vai trò quan trọng khi tạo ra khuôn khổ các dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu có mục đích “sử dụng kép”.
Do không ràng buộc điều kiện nghiêm ngặt, nguồn tài trợ của Trung Quốc thông qua những khoản vay ưu đãi, cung cấp thiết bị cần thiết trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp và công trình công cộng được phần lớn đối tác coi là giải pháp đáng cân nhắc để thay thế cho những cơ chế tài trợ đa phương thông thường.
Tuy nhiên, chiến lược “ngoại giao cơ sở hạ tầng” này đồng thời làm dấy lên lo ngại về tình trạng “bẫy nợ” ở những quốc gia dễ bị tổn thương, nhất là khi thiếu sự minh bạch giữa những điều khoản trả nợ mơ hồ và thế chấp không cân xứng. Mối quan hệ như vậy cũng có thể bao hàm những kỳ vọng ngầm về liên kết chính trị hoặc ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề liên quan lợi ích cốt lõi.
An ninh và các cam kết chiến lược
Đây là một trong những khía cạnh quan trọng nhất trong chiến lược Thái Bình Dương của Trung Quốc. Trong đó, thỏa thuận với Quần đảo Solomon vào năm 2022 hay với Kiribati, Vanuatu và Quần đảo Cook hồi tháng 2-2025 gần như phản ánh tham vọng thể chế hóa vai trò của Bắc Kinh như bên tham gia an ninh lâu dài trong khu vực.
Thông qua các công trình xây dựng cảng, sân bay và hàng loạt dự án thông tin liên lạc rải rác khắp Thái Bình Dương, Trung Quốc đã âm thầm mở rộng phạm vi quân sự trên những hòn đảo xa xôi từng đóng vai trò then chốt trong chiến lược tác chiến của Mỹ hồi Chiến tranh Thế giới thứ hai. Các dự án có vẻ mang tính chất dân sự nhưng thực chất là “các nút chiến lược” trải dài hơn 4.000km từ Papua New Guinea đến Samoa, có thể cản trở hoạt động của Mỹ cùng đồng minh trong trường hợp xung đột.
Với hải quân lớn nhất thế giới tính theo số lượng tàu, Trung Quốc cũng đang mở rộng phạm vi hoạt động quân sự tới Nam Thái Bình Dương. Rõ ràng nhất là đợt triển khai hồi tháng 2 và 3, trong đó các tàu chiến Trung Quốc đã di chuyển hơn 12.000 hải lý tới vùng biển quốc tế nằm giữa Úc và New Zealand để tham gia đợt tập trận bắn đạn thật. Còn ở Tây Thái Bình Dương, quân đội Trung Quốc lần đầu tiên điều động cùng lúc 2 tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông tham gia tập trận hồi tháng 6. Các địa điểm riêng biệt này đều nằm gần những hòn đảo phía Nam thuộc Nhật Bản.
Việc Trung Quốc phô trương sức mạnh hải quân là dấu hiệu quan trọng cho thấy Bắc Kinh mở rộng phạm vi hoạt động sâu hơn vào Thái Bình Dương, đặc biệt sau khi Mỹ triển khai tên lửa diệt tàu sân bay ở Bắc Philippines. Nó cũng thể hiện thái độ của cường quốc châu Á giữa thời điểm Mỹ và các nền dân chủ khu vực xích lại gần nhau.
Quản trị số, công nghệ chiến lược và khai thác biển sâu
Thông qua các doanh nghiệp liên kết với nhà nước như Huawei và ZTE, Trung Quốc đang đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập “xương sống” hạ tầng kỹ thuật số bao gồm cơ sở viễn thông, mạng lưới cáp ngầm, nền tảng quản trị và trung tâm dữ liệu ở nhiều quốc gia. Những công nghệ này mang lại lợi ích hiện đại hóa, nhưng cũng đặt ra những rủi ro về chủ quyền dữ liệu, quyền riêng tư và nguy cơ phụ thuộc vào các hệ thống do nước ngoài kiểm soát. Về lâu dài, sự hỗ trợ này có thể chuyển thành sự phụ thuộc chiến lược, khuếch đại tác động địa chính trị của Trung Quốc.
Hiện tại, Trung Quốc còn hợp tác với Kiribati và Quần đảo Cook để khám phá các cơ hội khai thác khoáng sản biển sâu. Những nỗ lực này là một phần trong chính sách ngoại giao tài nguyên rộng lớn hơn, đảm bảo quyền tiếp cận lâu dài của Bắc Kinh đối với những khoáng sản cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển công nghệ. Ở lĩnh vực mới nổi này, nhiều chuyên gia đang đặt câu hỏi về tác động tiêu cực đối với hệ sinh thái, cũng như thách thức về quản trị khi thiếu khuôn khổ pháp lý quốc tế thống nhất. Ngoài ra, để giám sát hiệu quả các hoạt động dưới nước đòi hỏi phải thu thập dữ liệu thời gian thực, kết nối vệ tinh và phân tích dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI).
Đây đều là những mảng công nghệ mà Trung Quốc tích cực đầu tư, hoặc có thể nói việc tích hợp những hệ thống kể trên sẽ giúp củng cố vị thế của Bắc Kinh như bên liên quan chủ chốt đối với tương lai kinh tế và môi trường của khu vực.
Mỹ và đồng minh thay đổi cách tiếp cận
Chiến lược của Trung Quốc đẩy mạnh hiện diện trên nhiều lĩnh vực ở châu Á - Thái Bình Dương diễn ra nhanh chóng trong bối cảnh Bắc Kinh và các nước láng giềng đang tranh chấp chủ quyền trên nhiều vùng biển chiến lược. Thậm chí, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã cảnh báo nguy cơ Trung Quốc sẵn sàng sử dụng vũ lực và kêu gọi các đối tác châu Á tăng cường phòng thủ.
Hiện tại, Mỹ vẫn đang duy trì dấu ấn an ninh ở châu Á thông qua các cuộc tập trận quy mô lớn trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; đồng thời củng cố các lực lượng đồn trú ở Guam, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại Philippines, tuy không có quân đội thường trực nhưng các thỏa thuận gần đây với Manila cho phép Lầu Năm Góc tăng cường khả năng tiếp cận, thậm chí đặt các trung tâm quân sự và thương mại của Trung Quốc vào tầm ngắm.
Nhưng ở trên biển, Mỹ lại lâm vào tình trạng bị phân tán sức mạnh do ảnh hưởng bởi căng thẳng ở Trung Đông. Từ đầu năm, việc 2 nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ là USS Carl Vinson và USS Nimitz rời Thái Bình Dương đã tạo ra khoảng trống sức mạnh hải quân tại khu vực. Trong bối cảnh này, một số đồng minh thân cận của Mỹ đã tái phân bổ lực lượng quân sự tập trung vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm tăng cường khả năng răn đe trước các hành động thù địch tiềm tàng của Trung Quốc.
Đơn cử như Pháp, tàu sân bay FS Charles de Gaulle vừa kết thúc nhiệm vụ kéo dài 5 tháng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong tháng 4. Năm ngoái, Ý cũng điều nhóm tác chiến tàu sân bay ITS Cavour tham gia đợt triển khai kéo dài 5 tháng tại khu vực vốn nằm ngoài phạm vi hoạt động truyền thống của hải quân nước này.
Trước đó, Anh hồi năm 2021 đã cử tàu HMS Queen Elizabeth dẫn đầu nhóm tác chiến tàu sân bay thực hiện nhiệm vụ kéo dài 7 tháng với hành trình 48.280 km qua Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương. Hiện tại, ngoài triển khai tàu Prince of Wales cho sứ mệnh kéo dài 8 tháng, tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh đầu tháng này đã chở theo máy bay chiến đấu tàng hình để đến Úc tham gia tập trận trước khi tiếp tục hành trình đến Nhật Bản.
Theo các chuyên gia, 9 quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ năm 2008 đã thành lập Sáng kiến tương tác Nhóm tàu sân bay châu Âu nhằm duy trì sự hiện diện liên tục ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong đó, sự hiện diện tuần tự của các nhóm tác chiến tàu sân bay mang tính ngoại giao và chiến lược hơn là thể hiện sức mạnh quân sự thuần túy, nhấn mạnh cam kết đối với quan hệ đối tác và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Điều đó cũng cho thấy các nước châu Âu đang đảm nhận “trách nhiệm chiến lược chung” giúp ổn định khu vực, cho phép Mỹ phân bổ nguồn lực của mình vào các khu vực quan trọng khác trong cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.
MAI QUYÊN (Tổng hợp)