06/12/2020 - 13:32

Cảm hứng từ gương sáng giữa đời thường 

Chiến sĩ công an vì nhân dân quên mình, nhà báo dũng cảm vượt hiểm nguy đi tìm sự thật hay những người dân lặng thầm với công việc bắc cầu, vá lộ... Những gương sáng giữa đời thường ấy đi vào tác phẩm sân khấu thật sinh động và nhiều cảm xúc.

Các nghệ sĩ biểu diễn kịch bản “Nợ một ân tình” của tác giả, đạo diễn Kiều Mỹ Dung.

Các nghệ sĩ biểu diễn kịch bản “Nợ một ân tình” của tác giả, đạo diễn Kiều Mỹ Dung.

Đó là kết quả từ Cuộc thi Sáng tác kịch bản sân khấu ngắn chủ đề “TP Cần Thơ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2020 do Hội Sân khấu TP Cần Thơ tổ chức.

Không hẹn mà gặp, hình ảnh người công an nhân dân tận tụy, mẫu mực, lo cho dân được nhiều tác giả chọn khắc họa. Trong tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi mang tên “Vết sẹo... không còn đau...”, tác giả Võ Hiếu Hòa xây dựng hình ảnh người công an liêm khiết, cảm hóa tội phạm bằng sự kiên quyết nhưng cũng đầy nhân văn. Tác giả Võ Hiếu Hòa cho biết: “Chất liệu để tôi xây dựng hình tượng nhân vật là từ những tấm gương đã được xem, nghe trên báo đài và chứng kiến ngay tại địa phương nơi tôi sinh sống. Nhiều anh công an tuổi đời còn khá trẻ nhưng không ngại cực khổ, vì bình yên cuộc sống”.

Còn tác giả Kiều Mỹ Dung lại kể câu chuyện nghĩa tình của người công an trẻ tên Phong qua kịch bản “Nợ một ân tình”. Xuất thân từ trại trẻ mồ côi, nhưng Phong đã phấn đấu vươn lên nghịch cảnh bằng nghị lực, trở thành cán bộ tại trại giam. Dù nhận ra phạm nhân là con trai của ân nhân từng cứu mình giữa lằn ranh sinh tử nhưng Phong không vì thế mà dung túng, thiên vị. Phong lặng thầm động viên, cảm hóa để chàng trai ấy làm lại cuộc đời, tạo điều kiện lập nghiệp khi con trai ân nhân ra tù.

Cũng có những nhân vật “người thật - việc thật” được các tác giả cảm hứng thành kịch bản sân khấu. Tác phẩm “Giàu lòng nhân ái” kể về ông Lư Hớn Kia, một doanh nhân ở quận Cái Răng, vươn lên từ nghèo khó và khi đã thành đạt thì rộng lòng làm việc thiện nguyện. Hay là hình ảnh nhà báo Liên Liên, phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam, từng đối mặt nhiều nguy hiểm trong tác nghiệp, được thể hiện trong tác phẩm “Bông hồng thép”.

Ông Nguyễn Hoàng Dũ, Chủ tịch Hội Sân khấu TP Cần Thơ, cho biết: Sau nhiều năm tổ chức, cuộc thi thường niên này đã nhận được sự tham gia đông đảo của hội viên. Cuộc thi có trên 30 tác phẩm dự thi của 15 tác giả. Nếu như các mùa giải trước đây, Ban tổ chức chọn thể loại bài bản tài tử, vọng cổ thì mùa giải này là kịch bản sân khấu ngắn - một thể loại dài hơi và khó thể hiện. “Các tác phẩm dự thi cho thấy tâm huyết của các tác giả, gửi gắm cả trái tim mình vào từng câu chữ. Bởi khai thác đề tài đã khó, chuyển  tải trọn vẹn, nghệ thuật và hấp dẫn người xem lại còn khó hơn”, ông Dũ nhấn mạnh.

Chủ đề khá khó để thể hiện, thể loại cũng là một thử thách nhưng các tác phẩm dự thi cho thấy sự kỳ công của các soạn giả khi khắc họa từ góc nhìn, cảm nhận từ chất liệu cuộc sống. Điều đáng ghi nhận là các tác giả dần ít đi chuyện sáng tác kiểu “hô khẩu hiệu” hoặc ca ngợi chung chung, sáo rỗng, dễ gây nhàm chán.

Tuy nhiên, điều khiến người tâm huyết với sân khấu Cần Thơ còn băn khoăn là cuộc thi này vắng bóng những cây viết trẻ. Những tác giả kỳ cựu như Võ Hiếu Hòa, Trương Huy Hoàng, Nguyễn Trung Nguyên, Trúc Linh, Thanh Trang, Kiều Mỹ Dung... vẫn là trụ cột. Câu chuyện “tre già nhưng măng chưa mọc” không phải mới nhưng vẫn là bài toán khó cho lĩnh vực sáng tác văn học - nghệ thuật, nhất là với lĩnh vực sân khấu. Đào tạo nguồn nhân lực kế thừa không chỉ làm sinh động hơn hoạt động sáng tác sân khấu mà còn là cách để duy trì và lan tỏa những loại hình âm nhạc truyền thống Nam Bộ.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết