Vất vả tìm cách khôi phục sự ổn định chính trị và xã hội, chính quyền lâm thời Tunisie lại vấp trở ngại mới khi bất ngờ “thay tướng” giữa dòng.
|
Đường phố Tunis tiếp tục chìm trong khói lửa bạo động. Ảnh: Reuters |
Ngày 27-2, Thủ tướng tạm quyền Mohammed Ghannouchi đã từ chức trong bối cảnh xảy ra các cuộc đụng độ giữa các nhóm thanh niên biểu tình với cảnh sát chống bạo động tại Thủ đô Tunis, làm 3 người chết và gần 20 cảnh sát bị thương. Sự ra đi của ông Ghannouchi diễn ra chỉ 6 tuần sau khi Tổng thống độc tài Zine al-Abidine Ben Ali bị phế truất.
Nhiều nguồn tin nước ngoài cho biết Đại lộ Habib Bourguiba ở trung tâm Tunis lại trở thành tâm điểm của làn sóng biểu tình bạo lực lớn nhất từ sau khi ông Ben Ali bị lật đổ. Theo Bộ Nội vụ Tunisie, ước có khoảng 100.000 người đã xuống đường biểu tình. Hôm 27-2, quân đội Tunisie phải dùng trực thăng phóng hơi cay và bắn chỉ thiên, đồng thời bắt giữ hơn 100 người biểu tình quá khích.
Ông Ghannouchi từng phục vụ khá lâu dưới trào cựu Tổng thống Ben Ali trên cương vị bộ trưởng, rồi thủ tướng, sau đó được giữ lại để giám sát quá trình chuyển giao quyền lực trong vai trò người đứng đầu chính phủ lâm thời Tunisie. Chính vì thời gian làm việc lâu trong chính quyền Ben Ali, nhà kỹ trị 69 tuổi này bị nhiều người Tunisie phản đối và muốn phế truất. Người dân Tunisie cũng tức giận vì sau “cách mạng hoa lài” dẫn tới Tổng thống Ben Ali bị mất quyền, đất nước này vẫn chưa có sự thay đổi rõ rệt nào, bất chấp chính phủ lâm thời cam kết tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 15-7 tới.
Tại Oman, ít nhất hai người biểu tình đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ với lực lượng an ninh ngày 27-2. Các nhân chứng cho biết cảnh sát đã bắn đạn hơi cay và đạn cao su vào những người biểu tình quá khích tại thị trấn Sohar, trung tâm công nghiệp của Oman cách Thủ đô Muscat khoảng 200 km về phía Tây Bắc. Những người biểu tình quá khích cũng đốt phá các tòa nhà chính quyền và xe cộ. Sau khi đụng độ, cảnh sát đã rút đi nhưng trực thăng vẫn quần đảo trên bầu trời thành phố.
|
Khi ông Ben Ali trốn sang Arabie Séoudite sau 23 năm nắm quyền, dân Tunisie nói họ muốn chấm dứt thời kỳ độc tài, muốn có việc làm và nhiều cơ hội khác. Tuy nhiên, dưới sự điều hành của ông Ghannouchi, ngành du lịch, nguồn thu chính của Tunisie, chậm hồi phục, trong khi tình hình bất ổn ở nước láng giềng Libye có thể khiến du khách tránh đến khu vực này trong một thời gian dài nữa. Bên cạnh đó, các cuộc biểu tình của người lao động đòi tăng lương hoặc cải thiện điều kiện làm việc gần như diễn ra hàng ngày ở Tunis và nhiều thành phố khác. Tỷ lệ thất nghiệp ở Tunisie vẫn ở mức cao (2 con số) và tình trạng nghèo đói ngày càng trầm trọng. Theo các nhà phân tích, Tunisie không có nguồn thu từ dầu, nếu người dân không trở lại làm việc, đất nước này sẽ sụp đổ. Vì vậy, giới trẻ Tunisie cho rằng họ đã “dẫn đầu cuộc cách mạng nên phải để thế hệ trẻ điều hành đất nước, không phải ông Ghannouchi hay một gương mặt cũ nào đó” và “cách mạng hoa lài” chưa kết thúc. Ông Ghannouchi cũng thừa nhận rằng ông ra đi vì lo sợ bạo lực có thể leo thang.
Tổng thống lâm thời Foued Mebazaa đã đề cử cựu Thủ tướng Beji Caid-Essebsi lên nắm quyền thay ông Ghannouchi và thành lập nội các chuyển tiếp mới. Ông Caid-Essebsi là cựu luật sư từng làm Ngoại trưởng Tunisie hồi thập niên 1980. Tổng thống Mebazaa nói: “Ông ấy là một nhà yêu nước”.
N. MINH (Theo WSJ, Guardian, AFP)