14/05/2010 - 08:43

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tập trung chống khô hạn và xâm nhập mặn

Hiện tượng khô hạn và xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang vào giai đoạn cao điểm. Hàng ngàn hecta cây ăn trái, hoa màu... đang thiếu nước tưới, hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt trầm trọng.

Nước mặn đang xâm nhập sâu vào đất liền các vùng ven biển ĐBSCL từ 40 đến 50 km, nồng độ mặn trung bình cũng tăng 2 - 3%0 so với trung bình nhiều năm. Ảnh hưởng của mặn hóa ở tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu... đối với vụ lúa đông xuân 2009 - 2010 chiếm khoảng 40% diện tích toàn vùng. Ngoài ra còn 100.000 ha khác có nguy cơ bị xâm nhập mặn. Có đến 1/3 dân số ở khu vực nông thôn ĐBSCL đang thiếu nước ngọt để sinh hoạt.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình xâm nhập mặn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát chỉ đạo từng tỉnh cụ thể hóa đánh giá ảnh hưởng của xâm nhập mặn và hạn hán đến từng xã, huyện. Bên cạnh đó, các địa phương cần có kế hoạch chuẩn bị vật tư nhân lực và nguồn tài chính để khẩn trương xây đập tạm, giúp dân trữ nước ngọt và ngăn mặn xâm nhập sâu hơn; tích cực trữ nước ngọt ở những nơi có thể; điều chỉnh cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống; đồng thời đánh giá kỹ, đảm bảo có nguồn nước mới để dân làm vụ xuân hè.

Nhiều địa phương đang ra sức ứng phó với tình hình xâm nhập mặn, hạn. Trước mắt các địa phương cùng phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Cục Thủy lợi tiếp tục theo dõi toàn bộ tình hình lưu vực sông Mekong qua đó nắm được tác động chung trong khu vực để đề ra biện pháp phù hợp. Cùng với việc triển khai biện pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tìm những cây, con chịu hạn, chịu mặn thích hợp với từng vùng, từng địa phương, ở những địa phương nuôi trồng thủy sản cần thường xuyên theo dõi diễn biến môi trường để cung cấp nước ngọt, nước mặn kịp thời; qua đó xem xét cơ cấu lại loài nuôi, lùi lại thời gian xuống giống do thời tiết lúc này đang bất lợi.

Hiện nay, Bến Tre đang tiếp tục gia cố đê bao, đắp đập tạm, nạo vét kênh mương để ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; cung cấp dụng cụ chứa nước cho gia đình nghèo, diện chính sách, mở rộng tuyến ống cấp nước của những nhà máy nước hiện có. Ở Tiền Giang, ngành chức năng nhanh chóng lắp đặt 41 điểm cấp nước công cộng ở 2 huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông phục vụ miễn phí cho dân và chuẩn bị kinh phí hơn 2 tỉ đồng cho phương án dùng sà lan chở nước ngọt từ TP Mỹ Tho xuống các cù lao cung ứng cho dân khi có tình huống cấp bách...

HỒNG QUẢNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết