15/01/2018 - 21:39

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Các địa phương phải chỉ đạo “sát sàn sạt” vấn đề phát triển công thương ở địa phương mình

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: CP

Sáng 15-1, dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 ngành Công Thương- một trong những lĩnh vực đạt nhiều kỷ lục của nền kinh tế nước nhà 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, ngành Công Thương đã hoàn thành toàn diện, xuất sắc nhiệm vụ 2017. Uy tín của ngành được nâng lên, đóng góp nhiều mặt vào sự phát triển của đất nước, nhất là sự cải cách.

Phát biểu tại Hội nghị, nói về tầm quan trọng của ngành Công Thương, Thủ tướng nhắc lại câu nói của nhà bác học Lê Quý Đôn: “Phi nông bất ổn. Phi công bất phú. Phi thương bất hoạt. Phi trí bất hưng” và khẳng định, trong 4 loại hình này, Bộ Công Thương có tới 2 lĩnh vực là công và thương.

Bên cạnh biểu dương những thành quả của Bộ Công Thương trong năm 2017, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, yếu kém và đề nghị ngành Công Thương cần khẩn trương khắc phục trong năm 2018. Đó là: vẫn còn một số chính sách kìm hãm sự phát triển mà chưa “thoát ra được”; dự báo cung cầu còn yếu, chưa gây dựng được hạt nhân dẫn dắt và cơ chế liên kết giữa sản xuất và thị trường để giảm rủi ro; xuất khẩu ở Việt Nam chủ yếu vẫn tập trung ở khối FDI; nguyên, phụ liệu cho sản xuất vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu; quản lý thị trường trong nước và biên mậu vẫn còn nhiều bất cập, buôn lậu, gian lận thương mại chưa được ngăn chặn quyết liệt và hiệu quả, nhất là vật tư nông nghiệp giá cao, chất lượng kém; vấn đề sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn.

Về phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ của ngành Công Thương 2018, Thủ tướng nhấn mạnh đến lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thương mại nội địa cần “có chiều sâu hơn nữa trong phát triển”; trong đó có việc thúc đẩy tái cơ cấu, đẩy mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phục vụ nông nghiệp.  Cùng với đó, là các giải pháp để: khơi dậy tiềm năng kinh tế tư nhân trong sản xuất công nghiệp, thương mại; đưa công nghiệp, thương mại hướng vào nông nghiệp, nông thôn; nâng cao năng suất chất lượng lúa gạo; phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam.

 Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương chú trọng đến bài học lớn từ thành công của 2017 là sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, địa phương. Đây là cách làm rất cần được phát huy hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành 2018. Các địa phương “phải chỉ đạo sát sàn sạt vấn đề phát triển công thương ở địa phương mình, quản lý thị trường ở địa phương mình”, Thủ tướng giao nhiệm vụ. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phải là đơn vị đi đầu trong hành động với phương châm: Đổi mới, đổi mới hơn nữa; Quyết liệt, quyết liệt hơn nữa; Sáng tạo, sáng tạo hơn; Hiệu quả, hiệu quả hơn nữa. Bộ Công Thương cần chuẩn bị tốt nguồn nhân lực đáp ứng thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0; cụ thể hóa thể chế, chính sách, tiếp tục triển khai mạnh mẽ kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp. Đi liền với đó là đẩy mạnh hơn nữa sản xuất kinh doanh; tập trung phát triển thị trường trong nước, cân đối cung cầu của đất nước; đẩy mạnh xúc tiến thương mại; làm tốt công tác phối hợp, dự báo ổn định kinh tế vĩ mô.

QUANG VŨ

Chia sẻ bài viết