04/12/2020 - 20:35

Các cựu tổng thống Mỹ “xung phong” tiêm vaccine COVID-19 

Trên Twitter hôm 3-12, Ivanka Trump đã ca ngợi việc 3 cựu tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ công khai tiêm vaccine COVID-19 ngay khi nó được phê duyệt và cô cũng sẵn sàng nối gót họ.

Ảnh: FT

Ảnh: FT

Thông điệp được Ivanka, con gái và là cố vấn cấp cao của đương kim Tổng thống Donald Trump, đưa ra sau khi các cựu Tổng thống Barack Obama, George W. Bush và Bill Clinton khẳng định sẽ tiêm vaccine ngay khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) “bật đèn xanh”, nhằm củng cố niềm tin trong dân chúng về tính an toàn của vaccine.

Cựu Tổng thống Obama cho biết ông tin vào sự an toàn và hiệu quả của bất kỳ loại vaccine nào được Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ Anthony Fauci phê duyệt. Trong khi đó, người tiền nhiệm của ông Obama là George W. Bush cũng đã thông báo với Tiến sĩ Fauci rằng ông sẵn sàng làm bất cứ điều gì vào thời điểm thích hợp để khuyến khích người dân tiêm vaccine (Trước đây, song thân của ông Bush  là cựu Tổng thống George H.W. Bush và Ðệ nhất phu nhân Barbara Bush từng đi máy bay thương mại vào những ngày sau khi Mỹ hứng chịu vụ tấn công khủng bố 11-9-2001, để nâng cao niềm tin trong dân chúng về việc bay trở lại). Trong khi đó, cựu Tổng thống Clinton cũng “chắc chắn” sẽ tiêm vaccine sớm nhất có thể, dựa trên thứ tự ưu tiên do giới chức y tế cộng đồng quyết định. Cùng ngày, Tổng thống đắc cử Joe Biden không chỉ hoan nghênh 3 người tiền nhiệm vì những cam kết trên mà chính ông cũng tuyên bố sẽ tình nguyện tiêm ngừa trên truyền hình sau khi chính phủ phê chuẩn vaccine.

Dù giới chức y tế cho biết một số người Mỹ sẽ được tiêm vaccine COVID-19 trước cuối năm nay, nhưng vẫn còn những hoài nghi về độ an toàn của vaccine do tốc độ phát triển quá nhanh. Theo thăm dò của Hãng Gallup công bố tháng rồi, 42% người dân xứ cờ hoa cho biết sẽ không tiêm loại vaccine mà FDA phê duyệt dù được cung cấp miễn phí.

Các loại vaccine COVID-19 đầu tiên dự kiến được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Mỹ trong tháng này và các nhân viên y tế tuyến đầu cùng nhóm dân cư có nguy cơ cao sẽ được ưu tiên. Hãng dược Moderna của Mỹ và liên minh Pfizer (Mỹ) - BioNTech (Ðức) tuần trước đã đề nghị FDA cấp phép khẩn cấp cho vaccine của họ sau khi tuyên bố sản phẩm đạt hiệu quả 95%. Mỹ hy vọng tiêm ngừa vaccine cho 100 triệu người trước cuối tháng 2-2021. Mỹ - vùng dịch lớn nhất thế giới và đang vật lộn với làn sóng lây nhiễm thứ ba - đã có trên 14,5 triệu người nhiễm, trong đó 283.000 ca tử vong.

Pháp, Nhật Bản sẽ tiêm miễn phí vaccine

Thủ tướng Pháp Jean Castex ngày 3-12 thông báo sẽ tiêm miễn phí vaccine COVID-19, bắt đầu vào tháng 1-2021 cho một triệu cư dân và nhân viên chăm sóc tại các nhà dưỡng lão. Ðến tháng 2 sẽ tiêm cho 14 triệu người có nguy cơ cao và sau đó tới lượt phần dân số còn lại. Theo ông Castex, nhờ các đơn đặt hàng, “Pháp có tiềm năng mua được 200 triệu liều, đủ để tiêm chủng 100 triệu người” vì liệu trình cần hai mũi tiêm cách nhau vài tuần. Tính đến nay, quốc gia 67 triệu dân này đã có hơn 2,2 triệu người nhiễm COVID-19 với trên 54.000 ca tử vong.

Thủ tướng Castex cho rằng Pháp thậm chí có thể bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào cuối tháng này, nếu cơ quan y tế của Liên minh châu Âu phê duyệt vaccine nhanh chóng. Pháp là một trong những quốc gia nghi ngờ về vaccine COVID-19 nhất trên thế giới. Khảo sát của Ipsos cho thấy chỉ 59% người dân Pháp được hỏi sẽ tiêm vaccine, so với 67% và 85% lần lượt ở Mỹ và Anh. Anh hôm 2-12 đã trở thành quốc gia đầu tiên phê duyệt khẩn cấp vaccine Pfizer và dự kiến bắt đầu tiêm chủng đại trà vào tuần tới.

Pháp đưa ra quyết định nói trên một ngày sau khi Quốc hội Nhật Bản thông qua dự luật trả toàn bộ chi phí tiêm vaccine COVID-19 cho 126 triệu dân nước này. Chính phủ Nhật Bản đảm bảo đủ vaccine của Pfizer và Moderna cho lần lượt 60 triệu và 25 triệu người dân, đồng thời cũng đặt hàng 120 triệu liều từ Công ty AstraZeneca của Anh.

Ðất nước Mặt trời mọc chứng kiến các đợt bùng phát COVID-19 tương đối nhỏ, không áp đặt biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt. Tới nay, Nhật ghi nhận gần 153.000 ca nhiễm với hơn 2.200 người tử vong. Nước này đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ ba khi số ca mắc mới hàng ngày tăng vọt trong những tuần gần đây.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres được cho là sẽ tiêm ngừa ngay khi có vaccine, nhưng chưa rõ ông tiêm công khai hay không. Hôm 3-12, ông Guterres đã phê phán các nước không tuân thủ chỉ dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới trong bối cảnh thế giới ghi nhận hơn 65,5 triệu ca nhiễm COVID-19 với trên 1,5 triệu ca tử vong. Trong một tuần trở lại đây, bình quân cứ 9 giây lại có một người chết vì COVID-19.

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết