Hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu (EU) - Trung Quốc lần thứ 21 tại Brussels (Bỉ) và hội nghị lần thứ 8 các nhà lãnh đạo 16 nước Trung - Đông Âu (CEEC) và Trung Quốc (còn gọi là Cơ chế Hợp tác 16+1) tại thành phố Dubrovnik của Croatia có thể đánh giá là đạt kết quả thực chất và làm hài lòng cả hai phía. Hội nghị EU-Trung Quốc lần này ra được tuyên bố chung khẳng định mục tiêu hoàn tất Thỏa thuận Đầu tư toàn diện EU-Trung Quốc trong năm 2020, trong khi Cơ chế hợp tác CEEC-Trung Quốc chứng kiến bước tiến, mở rộng thành “17+1” với sự tham gia của Hy Lạp. Hai hội nghị, khép lại chuyến công du của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới châu Âu từ ngày 8-12/4, cho thấy EU và Trung Quốc đang tìm cách tái cân bằng mối quan hệ “vừa là đối tác chiến lược vừa là đối thủ cạnh tranh” để có thể thu được lợi ích lớn nhất có thể.
Căn cứ vào nội dung của tuyên bố chung EU-Trung Quốc, có thể thấy Brussels và Bắc Kinh như đang “đứng chung một chiến hào”, hay ít nhất là bày tỏ quyết tâm giải quyết các tranh chấp giữa hai bên, thậm chí là cùng nhau hành động. Và có lẽ đây là một thông điệp mà cả hai muốn gửi tới một siêu cường ở bên kia bờ Đại Tây Dương, vốn đang theo đuổi chủ nghĩa đơn phương trong quan hệ quốc tế và chủ nghĩa bảo hộ trong thương mại quốc tế. Bất chấp mối quan hệ đồng minh truyền thống hai bờ Đại Tây Dương, EU đang rất không hài lòng khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, với chủ trương “Nước Mỹ trước tiên”, liên tục có những bước đi được đánh giá là phớt lờ lợi ích của EU. Đơn cử như trong lĩnh vực thương mại, Mỹ đã tăng thuế đánh vào mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu, đồng thời liên tục đe dọa áp thuế nhập khẩu ô tô từ EU. Mới nhất, ngày 9-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington sẽ áp thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ EU, có tổng trị giá 11,2 tỉ USD do tranh cãi trong vấn đề trợ cấp cho các hãng sản xuất máy bay.
Quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương bị sứt mẻ, không thể đặt trọn lòng tin vào Mỹ, EU đang từng bước điều chỉnh, chuyển hướng mối quan hệ để bảo toàn lợi ích của mình, trong đó Trung Quốc là lựa chọn phù hợp, khi đây là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU, chỉ sau Mỹ. Ngay cả đối với các nước CEEC, trong đó có 12 nước là thành viên EU, hợp tác với Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay cũng luôn được ưu tiên bởi chính các nước này cần nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài cho mục tiêu phát triển nhằm theo kịp các nước phát triển hơn trong khối. Bên cạnh đó, việc Mỹ cổ xúy chính sách đơn phương, biệt lập và bảo hộ, vô hình chung đi ngược lại những giá trị về thống nhất và chia sẻ của một liên minh đa quốc gia như EU. Trên trường quốc tế, Mỹ và EU không ít lần lâm vào cảnh “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” do những xung đột lợi ích, như vấn đề hạt nhân Iran.
Đối với Trung Quốc, việc củng cố hợp tác với EU, đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Kinh, không chỉ bởi Trung Quốc và Mỹ đang lâm vào cuộc chiến thương mại kéo dài và cạnh tranh gay gắt trong nhiều lĩnh vực khác nhau, mà đây còn là một phần trong chiến lược tổng thể của Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng và sức mạnh trên toàn cầu. Sự hiện diện của Trung Quốc tại EU nói chung và từng nước thành viên nói riêng, trước hết thông qua lĩnh vực kinh tế, đã và đang được triển khai mạnh mẽ. Xích lại với EU đáp ứng lợi ích chiến lược của Trung Quốc.
Chính vì vậy, EU và Trung Quốc đã đề cao mặt hợp tác hơn là mặt đấu tranh, để cùng nhau phối hợp xử lý các vấn đề toàn cầu và duy trì trật tự khu vực và quốc tế. Để xích lại gần hơn với EU, Trung Quốc đã phải nhượng bộ trước những đòi hỏi của phía EU về các vấn đề trợ cấp nhà nước, bảo hộ đầu tư, sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, phía EU vẫn còn dè dặt và mong muốn Trung Quốc biến những lời hứa thành những hành động cụ thể. Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jean Claude Junker tuyên bố rằng hội nghị cấp cao EU-Trung Quốc 21 sẽ là một bước tiến bộ lớn đúng hướng, nếu như những cam kết của Trung Quốc được cụ thể hóa.
Ngày 12-4, nguồn tin ngoại giao châu Âu cho biết Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra một danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá khoảng 20 tỉ euro (22,6 tỉ USD) có thể bị áp thuế, nguyên nhân vì vụ tranh chấp xuyên Đại Tây Dương về trợ cấp cho các nhà sản xuất máy bay. EC dự kiến công bố danh sách này vào ngày 17-4.
ĐỨC HÙNG (TTXVN tại EU)