03/01/2019 - 06:45

Bước chuyển lớn ở Brazil 

“Donald Trump xứ nhiệt đới” Jair Bolsonaro đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Brazil hôm 1-1, đánh dấu sự chuyển dịch của quốc gia Nam Mỹ theo hướng cánh hữu kể từ khi chế độ độc tài quân sự trao lại quyền lực cho chính phủ dân sự cách đây hơn 30 năm.

Tổng thống Bolsonaro và Đệ nhất phu nhân Michelle. Ảnh: Reuters

An ninh lễ nhậm chức được tăng cường tối đa với khoảng 10.000 cảnh sát và binh sĩ triển khai trên đường phố Thủ đô Brasilia, sau vụ tấn công bằng dao trong chiến dịch tranh cử khiến ông Bolsonaro phải nhập viện trong nhiều tuần. Trong số các vị khách nước ngoài tham dự lễ nhậm chức có Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa. Trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chúc mừng và khẳng định sự ủng hộ của Washington đối với tân lãnh đạo Brazil.

Tổng thống Bolsonaro, 63 tuổi, xuất thân từ quân đội và là nghị sĩ trong 3 thập niên qua. Với quan điểm khác biệt so với các đảng truyền thống, ông Bolsonaro gây chú ý trên chính trường Brazil từ đầu năm 2017, sau đó giành chiến thắng trước đối thủ cánh tả trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 10-2018 dựa trên cam kết khôi phục đất nước trong bối cảnh dân chúng phẫn nộ và ngày càng chán ngấy trước các bê bối tham nhũng, lạm dụng quyền lực và suy thoái kinh tế.

Ông Bolsonaro là người ủng hộ mạnh mẽ giai đoạn độc tài quân sự 1964-1985 và hiện 1/3 nội các của ông đều là các cựu sĩ quan quân đội có cùng quan điểm. Tuy nhiên, tân Tổng thống Brazil tại phiên họp lưỡng viện Quốc hội liên tục nhấn mạnh cam kết tuân thủ các quy tắc dân chủ, chủ trương xây dựng một xã hội không phân biệt đối xử hay chia rẽ. Qua đây, ông Bolsonaro kêu gọi các nhà lập pháp sát cánh cùng chính phủ trong sứ mệnh khôi phục và xây dựng lại đất nước, giải phóng Brazil khỏi nạn tham nhũng, tình trạng tội phạm bạo lực gia tăng, kinh tế ì ạch và cạm bẫy ý thức hệ.

Cụ thể về kinh tế, Tổng thống Bolsonaro cam kết dẹp bỏ quan liêu, thúc đẩy chính sách mở cửa thị trường, tiến hành cải cách nhằm giảm thâm hụt ngân sách. Quan điểm của ông Bolsonaro về một thị trường tự do được giới đầu tư kỳ vọng giúp hồi sinh nền kinh tế Brazil, đặc biệt dự án tư hữu hóa thông qua kế hoạch bán càng nhiều công ty nhà nước càng tốt, dự tính đem lại cho Brazil 257 tỉ USD. Về xã hội, ông Bolsonaro với sự ủng hộ mạnh mẽ của các thành phần bảo thủ muốn ngăn chặn việc hợp pháp hóa quyền phá thai và loại bỏ giáo dục giới tính khỏi hệ thống trường công. Bất chấp các cáo buộc kích động gây thù hận, những tuyên bố bị cho xúc phạm phụ nữ, người đồng tính và cộng đồng thiểu số, lập luận của ông Bolsonaro khôi phục luật lệ và trật tự được nhiều cử tri Brazil ủng hộ. Trái lại, việc ông bước lùi trong nhiệm vụ bảo vệ rừng Amazon với kế hoạch xây đập thủy điện, cho phép khai thác những khu bảo tồn người bản địa khiến các tổ chức, chuyên gia bảo vệ môi trường lo ngại.

Về đối ngoại, tân Tổng thống Bolsonaro chủ trương thoát khỏi chính sách thiên tả thông qua kế hoạch tái định hình các mối quan hệ quốc tế bằng cách xa rời liên minh với các nước đang phát triển và xích lại gần giới lãnh đạo phương Tây, đặc biệt người mà ông bày tỏ sự ngưỡng mộ -Tổng thống Trump. Một trong những dấu hiệu rõ ràng đó là kế hoạch “noi gương” lãnh đạo Mỹ rút Brazil khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu và chuyển đại sứ quán Brazil ở Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem.

 

MAI QUYÊN (Theo Washington Post)

 

 

Chia sẻ bài viết