09/11/2014 - 08:32

Bức tường trong đầu

Ký ức duy nhất hiện nay của chị Bettina Malter về sự kiện lịch sử ngày 9-11-1989 vẫn là chuyện kẹt xe, bởi một ngày sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, chị và cha mẹ ngồi trên một chiếc xe hơi đi qua phía Tây Berlin để đoàn tụ gia đình dòng họ trong cảnh chen chút đầy hỗn loạn thời hậu Chiến tranh lạnh.

Đó là lần đầu tiên gần 30 năm cha mẹ chị qua được Tây Berlin. Còn với chị đó là ngày sinh nhật lần thứ 5. Cảm giác khó chịu ban đầu ngay sau ngày thống nhất nước Đức dường như báo hiệu một sự thay đổi trong cuộc sống của cha mẹ chị. Mẹ chị phải chuyển từ nghề thiết kế nhãn mác bia sang bán bảo hiểm. Cha chị, vốn là kỹ sư, phải bắt đầu từ mọi thứ với cấp bậc thấp nhất trong nghề nghiệp. Và chị, lúc đang học lớp thạc sĩ ở Tây Đức, bị bạn bè nhìn với đôi mắt vô cảm khi họ hiểu chị chẳng hề biết gì về một tác giả viết truyện thiếu nhi đáng kính vừa qua đời. Chị nhận ra rằng ở miền Tây Đức của nước Đức thống nhất không có chỗ cho những người được sinh ra và trải nghiệm từ Đông Đức như chị.

 

 Cổng Bức tường Berlin, được hoàn thành vào năm 1961 như là biểu tượng của thời kỳ Chiến tranh lạnh, trước và trong ngày sụp đổ năm 1989. Ảnh: Getty Images 

Ngày nay, những sự khác biệt như trong quá khứ giữa hai miền nước Đức vẫn tồn tại, nhất là khoảng cách về kinh tế và xã hội, hay kể cả về quan điểm và hành vi được mô tả như “bức tường ngăn cách trong đầu”. Một cuộc thăm dò mới đây đối với dân Thủ đô Berlin do Trường quản lý Hertie thực hiện cho thấy gần một nửa số người được hỏi trả lời rằng họ ít khi tiếp xúc với người dân từ Đông Đức. Cuộc khảo sát của một tờ báo Đức năm 2012 cho biết có khoảng 1/5 người Tây Đức cũ chưa bao giờ thăm Đông Đức. Người dân Tây Đức đồng thời vẫn ca thán chi phí thống nhất đất nước dành cho những người anh em phía Đông.

Phần lớn người Đông Đức cũng cảm nhận nước Đức thống nhất không có nghĩa sáp nhập vào nhau, mà chủ yếu bằng việc Tây Đức nắm quyền kiểm soát Đông Đức. “Dù chỉ có khoảng 10-12% người dân Đông Đức muốn quay trở lại với Cộng hòa Dân chủ Đức cũ, nhưng số đông còn cảm thấy xa lạ ở nước Đức thống nhất”- giáo sư Klaus Schroeder, nhà khoa học chính trị và xã hội của Đại học Free ở Berlin, nhận định. Những định kiến mà người dân hai miền đánh giá về nhau khá nặng nề. Giới trẻ Tây Đức coi người Đông Đức có tính “lo lắng, cả nghi và bất mãn”, ngược lại, theo giáo sư Schroeder, người Đông Đức xem người Tây Đức có tính “kêu căng, thiển cận và tham lam”.

Tuy vậy, trong những năm gần đây, giới trẻ như chị Malter, người đang là nhà văn tự do, đã không ngại lên tiếng chỉ trích tác động của sự chia cắt tâm lý bên trong nước Đức thống nhất. Tiếng nói của Thế hệ Đông Đức Thứ ba, gồm những người có tuổi thơ tại Đông Đức nhưng chưa đủ hiểu rõ về chế độ cũ, đánh dấu sự phát triển mới trên con đường hòa hợp dân tộc.

Điển hình cho nước Đức thống nhất có thể kể đến những đôi vợ chồng trẻ kết hợp hai miền như chị Jessica Lippert, 30 tuổi và anh Alexander Kaiser, 29 tuổi. Chị lớn lên ở Wilmersdorf, Tây Berlin, còn anh sinh ra từ Lichenberg, Đông Berlin. Họ gặp nhau năm 2007 và có một cậu con trai. Tuổi thơ của họ rất khác biệt, người thì nhớ được đi xem những bộ phim Walt Disney, uống Coca-Cola và đi du lịch hè ở Tây Ban Nha hay Ý, người thì gia đình không có cả điện thoại cho đến năm 1996 và mùa hè thường chỉ đi cắm trại. Cho tới ngày nay, cha mẹ chị Lippert hiếm khi đi thăm nhà của vợ chồng chị ở Đông Berlin cũ, thậm chí họ vẫn nghĩ còn sự tồn tại của bức tường xưa và coi Đông Đức là miền “cấp thấp”. mẹ của anh Kaiser thì cho rằng người Tây Đức chi xài quá nhiều tiền nhưng không biết làm việc. Tuy nhiên, vợ chồng chị không để tâm đến những thành kiến của cha mẹ và họ hy vọng đứa con trai Felix sẽ lớn lên không có các rập khuôn và định kiến như thế hệ trước. Họ biết nhiều cặp vợ chồng hòa hợp hai miền Đông- Tây như thế.

Quả thật, giáo sư Schroeder chỉ ra rằng nước Đức đã từng bị chia cắt suốt 45 năm và người dân sống với hệ thống khác nhau, thậm chí đối lập nhau và cùng sẽ cần ngần ấy thời gian để phá bỏ hoàn toàn “bức tường trong đầu”. “Đến lúc đó, chúng ta có thể chấp nhận có sự khác biệt nhưng không phải xa lạ. Chúng ta có thể sống chung với sự đa dạng” – ông Schroeder tin tưởng.

KIẾN HÒA (Theo The Globe and Mail)

KIẾN HÒA (Theo The Globe and Mail)

Chia sẻ bài viết