05/06/2020 - 11:44

Biển Đông củng cố quan hệ Mỹ - Philippines 

Trước thông tin Philippines hoãn kế hoạch hủy bỏ Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ, đại sứ nước này tại Washington cho biết quyết định trên được Manila cân nhắc dựa vào tình hình an ninh ở Biển Đông.

Một cuộc tập trận của Hải quân Mỹ ở Philippines.

VFA được ký năm 1998, cho phép Mỹ đưa quân đến đồn trú tại Philippines để tham gia tập trận chung, viện trợ nhân đạo hoặc giúp chống khủng bố. Quân đội Philippines cũng được hỗ trợ huấn luyện, nhận trang thiết bị quân sự quan trọng từ đồng minh. Nhưng kể từ khi nắm quyền vào năm 2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte liên tục đe dọa hủy bỏ thỏa thuận nói trên, thậm chí hạ cấp liên minh quân sự với Washington trong khi tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Hồi tháng 2, Tổng thống Duterte đã gửi thông báo chính thức đến Mỹ về việc rút khỏi VFA. Kể từ ngày thông báo, thỏa thuận sẽ hết hiệu lực trong 6 tháng. Thời điểm đó, nhiều quan chức Philippines lo ngại động thái này ảnh hưởng khả năng phòng vệ của Manila trên Biển Đông, đặc biệt trước sức mạnh đang lên của Trung Quốc. Sau thời gian cân nhắc, chính quyền Duterte hôm 3-6 cho biết sẽ tạm đình chỉ việc hủy bỏ hiệp ước phòng thủ với Mỹ. Theo Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr, quyết định được đưa ra sau khi xét đến tình hình chính trị và nhiều vấn đề khác trong khu vực. “Chúng tôi mong muốn duy trì quan hệ đối tác quân sự mạnh mẽ với Mỹ ngay cả khi chúng tôi tiếp tục tiếp cận với các đồng minh khu vực trong việc xây dựng cấu trúc phòng thủ chung hướng tới ổn định, hòa bình, tiến bộ kinh tế và thịnh vượng” - Ngoại trưởng Locsin tuyên bố.

Theo chuyên gia phân tích Richard Heydarian, việc đảo ngược VFA cho thấy lãnh đạo Philippines đã phải cân nhắc lợi ích giữa đồng minh lịch sử với một Trung Quốc ngày càng cứng rắn trong bối cảnh nước này vẫn đang tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh trên Biển Đông.

Trong hai tháng qua, Trung Quốc liên tục điều động máy bay trinh sát và chiến đấu cơ săn ngầm đến thực thể nhân tạo nước này bồi đắp trái phép trên đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Bắc Kinh còn ngang nhiên lập cái gọi là huyện Nam Sa và huyện Tây Sa để kiểm soát quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cũng thuộc chủ quyền của Việt Nam. Theo Tổ chức Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải châu Á, Trung Quốc còn duy trì sự hiện diện của các tàu dân quân quanh đảo Thị Tứ trong hơn một năm qua với tần suất trung bình 18 tàu có mặt trên đảo mỗi ngày.

Trước hành vi của Trung Quốc, giới quan sát cho rằng Manila có thể đang tìm kiếm cam kết răn đe quân sự từ Mỹ. Theo Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Bonnie Glaser, Bắc Kinh lâu nay vẫn tìm cách làm suy yếu các liên minh của Mỹ và đã hưởng lợi từ những xích mích trong quan hệ Mỹ-Philippines.

MAI QUYÊN (Theo AFP)

Chia sẻ bài viết