Giới khoa học xác định biến đổi khí hậu là nguyên nhân của những cơn mưa sớm và khó dự đoán, gây ra lũ lụt chưa từng có tại Bangladesh cũng như vùng Đông Bắc Ấn Độ. Dạng thời tiết cực đoan này đã khiến nhiều người thiệt mạng, đẩy hàng triệu người khác vào cảnh “màn trời chiếu đất”.

Người dân Bangladesh là đối tượng dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu. Ảnh: Reuters
Nam Á không lạ gì với lũ lụt, vốn thường xảy ra khi mùa mưa bão bắt đầu vào tháng 6 và kết thúc vào tháng 9 hàng năm. Tuy nhiên, chỉ mới vào tháng 3 năm nay, khu vực này đã hứng chịu những trận mưa như trút nước. Chính biến đổi khí hậu được cho là đã khiến mùa mưa dễ thay đổi hơn trong những thập niên qua, với lượng mưa cũng tăng gấp nhiều lần.
Điển hình, chỉ trong 3 tuần đầu của tháng 6, bang Meghalaya ở Đông Bắc Ấn Độ đã hứng chịu lượng mưa trung bình nhiều gấp 3 lần tháng 6 hàng năm, còn bang láng giềng Assam thì có lượng mưa nhiều gấp đôi so với cùng kỳ. Tại Bangladesh, quốc gia nằm ở vùng thấp của đồng bằng sông Hằng với dân số dày đặc, những trận mưa lớn dự báo gia tăng trong những ngày tới. Trung tâm Dự báo và Cảnh báo lũ lụt Bangladesh gần đây cảnh báo mực nước tại các vùng phía Bắc nước này sẽ duy trì ở mức cao nguy hiểm.
Nhìn chung, mùa mưa - vốn cần thiết cho nền kinh tế nông nghiệp của Ấn Độ và Bangladesh - đã thay đổi kể từ thập niên 1950, với thời kỳ khô hạn kéo dài hơn, xen lẫn những trận mưa lớn. Anjal Prakash, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Chính sách Công Bharti (Ấn Độ), cho biết lượng mưa ồ ạt trút xuống Nam Á chỉ trong vài tuần đã khiến nơi này hứng chịu tình trạng lũ lụt nghiêm trọng chưa từng có.
Tổng cộng 42 người đã thiệt mạng tại Bangladesh kể từ ngày 17-5, trong khi bang Assam của Ấn Độ ghi nhận 78 người chết vì lũ lụt và 17 người chết do sạt lở đất. Ngoài ra, hàng trăm ngàn người đã phải sơ tán và hàng triệu người trong khu vực phải lánh nạn trong các trung tâm dã chiến. Theo Mohammad Arfanuzzaman, chuyên gia về biến đổi khí hậu thuộc Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, những trận lũ kinh hoàng năm nay có thể để lại ảnh hưởng sâu rộng, từ việc nông dân mất mùa, kẹt trong vòng xoáy nợ nần cho đến trẻ em thất học và có nguy cơ cao mắc bệnh.
Nắng nóng như “hỏa ngục”
Không chỉ mưa lũ, Nam Á còn phải gồng mình chống chọi với những đợt nắng nóng chưa từng có. Hồi tháng rồi, nhiệt độ tại một số khu vực của thủ đô New Delhi đã tăng lên trên 49oC, sau khi Ấn Độ trải qua tháng 3 nóng nhất trong 122 năm và tháng 4 nóng bất thường. Do nắng nóng, sản lượng lúa mì ở một số vùng của Ấn Độ đã giảm phân nửa.
Nhiệt độ tại thành phố Jacobabad của Pakistan cũng lên tới 49oC, một trong những mức nhiệt tháng 4 cao nhất từng được ghi nhận trên Trái đất. Dưới cái nóng gay gắt, người dân vùng Balochistan không thể ở trong nhà, làm việc ban ngày và còn thiếu điện, nước sử dụng. Nắng nóng đã ảnh hưởng đến nông nghiệp, sức khỏe con người và động vật. Ít nhất 90 người ở Ấn Độ và Pakistan đã tử vong do nắng nóng. Trong khi đó, Afghanistan đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực sau 2 năm gánh chịu nạn hạn hán.
Ước tính, phân nửa dân số khu vực Nam Á - khoảng 750 triệu người - đã trải qua ít nhất một thảm họa liên quan khí hậu trong 20 năm qua.
Theo giới chuyên môn, biến đổi khí hậu có thể gây khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại Nam Á. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kịch bản xấu nhất là khu vực này có 40 triệu người di cư vì khí hậu vào năm 2050. Điều này sẽ đặt ra gánh nặng cho các thành phố vốn đã đông dân, cũng như gia tăng áp lực về nguồn cung lương thực, nước và điện. Di cư xuyên biên giới còn có thể làm tăng căng thẳng trong khu vực, như chuyện từng xảy ra giữa giới chức Ấn Độ và người di cư Bangladesh hồi thập niên 2000.
Đối với những người không thể rời khỏi đất nước, biến đổi khí hậu nhiều khả năng gây ra tình trạng mất an ninh lương thực, nguồn nước và những cuộc di tản, bạo lực vì thế cũng gia tăng. Tình hình tại Sri Lanka cho thấy bất ổn chính trị bùng phát khi người dân không thể tiếp cận các hàng hóa cơ bản như thức ăn, nhiên liệu...
Nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu
Hiện nay, cách mà các quốc gia Nam Á ứng phó với biến đổi khí hậu chủ yếu là thích ứng với nó. Bangladesh - quốc gia có 2/3 lãnh thổ nằm cao hơn mực nước biển chưa tới 5m - đã khôi phục hơn 700km đê biển để chống bão và thủy triều dâng, đồng thời xây hơn 1.000 căn nhà tránh bão. Sri Lanka thì cải tạo các vùng đất ngập nước ở Colombo để ngăn lũ và triển khai nhiều dự án cơ sở hạ tầng đô thị. Năm ngoái, WB cũng đã tài trợ 3,7 tỉ USD cho khu vực để thích ứng và giảm thiểu những tác động do biến đổi khí hậu, tăng so với 1,4 tỉ USD năm 2017.
Ngoài thực hiện cam kết giảm phát thải khí carbon, các nước cũng đang lên kế hoạch đối phó làn sóng di cư do biến đổi khí hậu. Đơn cử, Ấn Độ đã phân bổ 10 tỉ USD cho 60 thành phố để nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm tăng năng lực tiếp nhận người di cư.
HẠNH NGUYÊN (Theo AP, Asia Times)