12/08/2023 - 20:11

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến an ninh lương thực của Trung Quốc 

NGUYỆT CÁT (Tổng hợp)

Theo nhận định của các chuyên gia, việc các hiện tượng khí hậu cực đoan được dự báo sẽ xảy ra với tần suất gia tăng ở Trung Quốc sẽ gây nguy hiểm cho kế hoạch an ninh lương thực, cũng như sẽ làm thay đổi chén cơm của người dân nước này.

 Hạn hán tác động nghiêm trọng đến các vụ lúa của Trung Quốc.

Thực tế, các sự kiện thời tiết khắc nghiệt như hạn hán và lũ lụt từ lâu đã trở thành mối đe dọa lớn đối với nguồn cung cấp lương thực và nông nghiệp của Trung Quốc. Trong 70 năm qua, nhiệt độ trung bình tại Trung Quốc tăng nhanh hơn mức trung bình toàn cầu, khiến nước này rất dễ bị lũ lụt, hạn hán và bão. Theo một ước tính, những trận mưa lớn đã làm giảm 8% năng suất lúa của nước này trong hai thập kỷ qua.

Năm ngoái, miền Nam Trung Quốc hứng chịu một mùa hè khô hạn và nóng nhất trong 60 năm qua. Ðợt nắng nóng gay gắt dẫn đến hạn hán nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khoảng 2,2 triệu ha đất nông nghiệp của nước này. Giới chức Trung Quốc đang lo ngại hạn hán gay gắt có thể tấn công tới lưu vực sông Dương Tử - vùng trồng lúa chính của đất nước.

Còn hồi cuối tháng 5, những trận mưa xối xả ở miền Bắc Trung Quốc đã làm ngập các cánh đồng lúa mì, làm dấy lên mối lo ngại cả trong nước và quốc tế về nguồn cung lúa mì cũng như những tác động tiềm ẩn đối với an ninh lương thực ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Trong khi đó, tỉnh Hà Nam - khu vực sản xuất 1/4 lượng lúa mì của Trung Quốc - đang đối mặt với những cơn lũ nhấn chìm các đồng ruộng. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, những trận mưa lớn xảy ra ngay trước vụ thu hoạch đã khiến sản lượng lúa mì vụ hè năm nay giảm 0,9% - mức giảm đầu tiên trong 7 năm qua.

Tại nơi được biết tới như là “vựa lúa” của Trung Quốc - gồm 3 tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh, hoạt động sản xuất nông nghiệp giúp tạo ra hơn 1/5 sản lượng nông sản của đất nước, với các loại cây trồng chính bao gồm đậu tương, bắp và gạo. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc mới đây cảnh báo rằng mưa lớn do 2 cơn bão Khanun và Doksuri ​​sẽ gây ra tác động nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp của Trung Quốc.

Không chỉ vậy, các chuyên gia dự báo Trung Quốc sẽ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng thiếu nước. Mặc dù có lượng tài nguyên nước ngọt tái tạo cao đứng thứ 5 trên thế giới, nhưng tài nguyên nước bình quân đầu người của Trung Quốc chưa đến 25% mức trung bình của thế giới vào năm 2018. Tệ hơn nữa là nguồn nước ngọt của nước này không được phân bổ đồng đều giữa các vùng.

Bên cạnh đó, sự thay đổi trong cơ cấu cây trồng và những thay đổi về không gian trong sản xuất ngũ cốc ở Trung Quốc đã khiến thách thức về nguồn cung nước càng trở nên khó khăn hơn. Ðể duy trì khả năng tự cung tự cấp ngũ cốc, nước này đã tăng sản lượng ngũ cốc bằng cách chuyển sản xuất sang các khu vực kém phát triển hơn trong nước, chủ yếu là ở phía Bắc.

Ngoài những thách thức về khan hiếm nước, việc sử dụng quá nhiều phân bón hóa học và thuốc trừ sâu cùng với các biện pháp thâm canh đã làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái và ô nhiễm đất tại Trung Quốc. Vào năm ngoái, báo chí Trung Quốc đã cảnh báo về chất lượng đất và độ màu mỡ của nhiều vùng đang trở nên kém đi.

Nhằm ứng phó các mối đe dọa về khí hậu và rủi ro về nguồn nước phục vụ sản xuất lương thực, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách, bao gồm thúc đẩy sản xuất ngũ cốc trong nước, kêu gọi giới chức địa phương tập trung hơn vào sản xuất ngũ cốc và đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về bảo vệ và sử dụng đất nông nghiệp. Nước này cũng đầu tư rất nhiều vào các công nghệ nông nghiệp - từ cây trồng biến đổi gien cho đến nhân giống hạt giống trong không gian, sản xuất nguồn đạm thay thế và hệ thống sản xuất nông nghiệp tự quản và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)…

Tuy nhiên, những biến đổi khí hậu cực đoan và những yếu tố bất lợi bên ngoài (như cuộc xung đột Nga - Ukraine và lạm phát toàn cầu) đang đặt thêm những bài toán khó cho an ninh lương thực của nền kinh tế số 2 thế giới.

Năm 2022, tổng sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc đạt 686,53 triệu tấn, tăng 0,5% so với năm 2021. Trong năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 146,9 triệu tấn ngũ cốc. Như vậy, Trung Quốc phụ thuộc khoảng 18% lượng ngũ cốc nhập khẩu.

Chia sẻ bài viết