|
Ông Berlusconi. |
Không ngoài dự đoán, Liên minh Nhân dân tự do (PDL) trung hữu của tỉ phú truyền thông 71 tuổi Silvio Berlusconi dễ dàng giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử ở Italia, diễn ra trong hai ngày 13 và 14-4. Như vậy, ông Berlusconi sẽ lần thứ ba ngồi vào chiếc ghế thủ tướng đất nước hình chiếc ủng.
Tại Thượng viện 315 ghế, PDL giành được 167 ghế so với 137 ghế của đối thủ chính là Liên minh Dân chủ (PD) trung tả của cựu thị trưởng Roma, ông Walter Veltroni. Còn ở Hạ viện 630 ghế, tỷ lệ ủng hộ PDL là hơn 46%, bỏ xa PD với chưa tới 38%. Sau khi có kết quả sơ bộ, ông Veltroni đã thừa nhận thất bại và gọi điện chúc mừng ông Berlusconi.
Phát biểu trên truyền hình, ông Berlusconi nói rằng nhiều thử thách đang chờ đón chính phủ mới nhưng khẳng định ông sẽ lãnh đạo đất nước cho tới hết nhiệm kỳ. Nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn với tỷ lệ tăng trưởng năm nay dự báo chỉ đạt 0,3- 0,8%, thuộc hàng thấp nhất trong Liên minh châu Âu (EU). Ông Berlusconi cam kết sẽ giảm thuế, tạo thêm nhiều việc làm cho giới trẻ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ông cũng tuyên bố nội các mới, trong đó dự kiến 1/3 là phụ nữ, sẽ ưu tiên giải quyết cuộc khủng hoảng rác ở Naples và cứu hãng hàng không quốc gia Alitalia đang có nguy cơ phá sản vì nợ nần hơn 2 tỉ USD.
Một thách thức nữa là nền chính trị Italia rất dễ rơi vào tình trạng bất ổn, được cho là do luật bầu cử mà ông Berlusconi khởi xướng soạn thảo một cách có chủ đích khi sắp kết thúc nhiệm kỳ hồi năm 2005. Theo luật này, các đảng phái nhỏ được trao nhiều quyền hạn và chỉ cần một vài trong số đó “bẻ chĩa”, chính phủ liên hiệp lập tức sẽ sụp đổ. Chính vì đạo luật gây tranh cãi này mà nội các của Thủ tướng Romano Prodi phải sụp đổ sau 20 tháng tồn tại, do một đảng nhỏ với 3 thượng nghị sĩ rút lại sự ủng hộ dành cho liên minh trung tả cầm quyền. Công bằng mà nói thì nếu không có luật bầu cử trên, chính trường Italia cũng nổi tiếng là bất ổn. Nếu tính luôn nội các mà ông Berlusconi sắp thành lập thì từ sau Thế chiến thứ hai đến nay, nước này có tổng cộng 61 chính phủ, “tuổi thọ” bình quân của mỗi chính phủ chỉ là 1 năm.
Về đối ngoại, là chính khách thân Mỹ nên việc ông Berlusconi trở lại nắm quyền chắc chắn sẽ cải thiện đáng kể quan hệ giữa Italia với Mỹ, vốn khá lạnh nhạt dưới thời Thủ tướng Prodi. Ông Prodi chưa một lần tới Nhà Trắng trong khi ông Berlusconi gọi Tổng thống Mỹ George Bush là “bạn” và từng tuyên bố đồng ý với Mỹ về mọi chuyện bất chấp lập trường của Washington như thế nào. Berlusconi cũng tự xem mình là một trong những người bạn thân nhất của Israel ở châu Âu và cho biết chuyến công du đầu tiên của ông sẽ là tới Israel dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nhà nước Do Thái (ngày 14-5).
LÊ DÂN (Theo AFP, THX)
Berlusconi tham gia chính trường năm 1994 bằng việc thành lập đảng trung hữu Forza Italia. Ngay trong năm đó, ông đắc cử thủ tướng. Tuy nhiên, nội các của ông chỉ tồn tại trong 7 tháng do bất đồng nội bộ. Năm 1996, ông ra tranh cử thủ tướng lần nữa nhưng thất bại trước ứng viên trung tả Romano Prodi. Năm 2001 ông đắc cử thủ tướng và trở thành thủ tướng đầu tiên của Italia trong nửa thế kỷ qua hoàn thành hết nhiệm kỳ 5 năm. Trong cuộc bầu cử năm 2006, ông lại thất bại dưới tay Prodi mà một phần là do quyết định gởi 3.000 binh sĩ tới Iraq.
Không chỉ là chính khách, Berlusconi còn được biết đến như một doanh nhân thành đạt. Ông là nhà sáng lập và cổ đông lớn của tập đoàn khổng lồ Fininvest, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và tài chính. Theo tạp chí Forbes, với tài sản 9,4 tỉ USD, Berlusconi hiện là người giàu thứ hai ở Italia và đứng hàng thứ 90 trên thế giới. |