05/04/2020 - 20:40

Bạo lực gia đình tăng mạnh thời Corona 

Trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch COVID-19, nhiều nước đã áp đặt lệnh giới nghiêm và phong tỏa đường phố. Động thái này vô hình trung khiến bùng phát bạo lực gia đình ở nhiều nơi.

Nhiều phụ nữ trở thành nạn nhân bạo lực gia đình khi COVID-19 bùng phát. Ảnh: GenPI

Mới đây, Asma Shiri, Bộ trưởng Các vấn đề phụ nữ Tunisia, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về bạo lực gia đình giữa mùa đại dịch khi tiết lộ rằng sau khi nước này áp đặt lệnh giới nghiêm vào giữa tháng 3, số vụ bạo lực gia đình tại đây đã tăng 5 lần. Tại tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch ở Trung Quốc, số vụ bạo lực gia đình được trình báo lên cảnh sát tăng 3 lần trong tháng 2. Còn theo đài phát thanh Globo của Brazil, nạn bạo hành gia đình cũng tăng vọt tại nước này.

Chính quyền vùng tự trị Catalonia của Tây Ban Nha cho biết, các cuộc gọi tới đường dây trợ giúp của họ tăng 20% trong vài ngày đầu kể từ khi lệnh phong tỏa được áp đặt. Đáng lo ngại, các cuộc gọi tới đường dây nóng tương tự tăng tới 30% sau ngày 9-3 khi Cộng hòa Síp xác nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên. Ở Ý, các nhà hoạt động cho hay họ nhận rất nhiều tin nhắn, email có nội dung tuyệt vọng. Còn Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner thì nói rằng số vụ cảnh sát can thiệp trường hợp bạo lực gia đình ở thủ đô Paris tăng 36% sau khi biện pháp phong tỏa được áp đặt.

Nhiều nước vào cuộc

Tây Ban Nha, quốc gia áp đặt lệnh phong tỏa vô cùng nghiêm ngặt, tuyên bố phụ nữ sẽ không bị phạt nếu họ ra khỏi nhà để tố giác bạo lực gia đình. Trong khi đó, Chính phủ Pháp thông báo sẽ chi trả cho 20.000 đêm nghỉ tại khách sạn đối với những nạn nhân bạo lực gia đình và mở trung tâm tư vấn ở các siêu thị. Ở Úc, Google ghi nhận sự tìm kiếm trợ giúp vì bị bạo hành tăng tới 75%. Chính phủ xứ chuột túi qua đó đã công bố gói trợ giúp trị giá 150 triệu AUD (tương đương 92 triệu USD) để giúp đỡ các nạn nhân bạo lực gia đình, bạo lực tình dục trong thời COVID-19.

Tại nhiều quốc gia khác, các nhóm vận động kêu gọi thay đổi chính sách hoặc pháp luật để giảm nguy cơ phụ nữ và trẻ em bị bạo hành khi đang cách ly. Chẳng hạn như tại Anh, thủ lĩnh đảng Bình đẳng Phụ nữ Mandu Reid kêu gọi cảnh sát đuổi những kẻ bạo hành ra khỏi nhà trong thời gian phong tỏa, còn tổ chức phòng chống bạo lực gia đình Refuge thì khuyên phụ nữ sử dụng cuộc gọi khẩn cấp có tên “Silent Solution”, cho phép nạn nhân liên lạc với cảnh sát thông qua điện thoại cảm ứng mà không cần phải nói chuyện. Đặc biệt, một công tố viên ở thành phố Trento (Ý) tuyên bố rằng trong các tình huống bạo lực gia đình, kẻ bạo hành phải rời khỏi nhà chứ không phải nạn nhân.

Tại Đức, thủ lĩnh đảng Xanh Katrin Göring-Eckardt kêu gọi chính phủ nước này cân nhắc chuyển đổi các khách sạn và nhà khách trống làm nơi trú ẩn an toàn cho những người là nạn nhân của bạo hành gia đình và bãi bỏ quy định cấm rời nhà đối với những phụ nữ dễ bị tổn thương, trong khi cấp phó của bà là Katja Dörner đề nghị chính phủ thường xuyên kiểm tra những trường hợp nghi ngờ trẻ em bị ngược đãi. Cảnh sát ở bang Uttar Pradesh, một trong những nơi có tình trạng bạo lực tồi tệ nhất Ấn Độ, đã cung cấp đường dây nóng trợ giúp khi số vụ bạo lực gia đình gia tăng. Cảnh sát Ấn Độ tuyên bố sẽ xử lý từng trường hợp và có thể bắt giữ thủ phạm gây ra bạo lực gia đình. 

TRÍ VĂN (Theo DW, Guardian, CNN)

Chia sẻ bài viết