13/03/2019 - 16:42

Báo động nạn sản xuất methamphetamine ở Đông Nam Á 

Hôm 11-3, Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) cảnh báo sản xuất ma túy loại methamphetamine đang tăng chóng mặt tại khu vực Đông Nam Á, giá giảm trong khi việc sử dụng chất kích thích này tràn lan.

 Số lượng lớn methamphetamine dạng tinh thể (ma túy đá) bị thu giữ tại Thái Lan hồi năm ngoái. Ảnh: Reuters

Theo báo cáo, thậm chí khi các vụ thu giữ methamphetamine đã đạt đến con số cao kỷ lục hồi năm ngoái, giá “thị trường” của nó vẫn giảm, điều này cho thấy tình trạng “có sẵn hàng” tăng cao. Nếu cách đây một thập niên, mỗi viên methamphetamine dạng viên yaba (pha trộn methamphetamine với caffeine) ở Thái Lan có giá 8-11 USD, thì ngày nay con nghiện chỉ cần bỏ ra 8 USD là mua được 2 viên. Yaba lâu nay phổ biến trong giới tài xế xe tải và người lao động ở quốc gia Đông Nam Á này.

UNODC cho rằng methamphetamine hiện là loại ma túy gây lo ngại hàng đầu ở 12/13 quốc gia Đông và Đông Nam Á, so với chỉ 5 nước cách đây 10 năm. Chỉ riêng ở Thái Lan, có đến 515 triệu viên methamphetamine bị tịch thu trong năm 2018, gấp 17 lần tổng số ma túy thu giữ ở 13 quốc gia cộng lại hồi 10 năm trước. Còn nếu tính từ tháng 11-2018 đến 1-2019, thì giới chức xứ sở Chùa vàng đã thu giữ 247 triệu viên methamphetamine, hơn 1 triệu viên so với con số của cả năm 2017. Nguồn cung methamphetamine chủ yếu đến từ quốc gia láng giềng Myanmar.

Cơ quan này cảnh báo băng nhóm tội phạm có tổ chức trong khu vực đã tham gia ngày càng nhiều vào hoạt động sản xuất và buôn lậu methamphetamine cùng các loại ma túy khác ở vùng Tam giác Vàng- khu vực rừng núi hiểm trở nằm giữa biên giới 3 nước Myanmar, Lào và Thái Lan. Chính phủ Thái Lan cho biết có hơn 10 cơ sở sản xuất yaba ở Tam giác Vàng và “sản lượng” ước tính 2 triệu viên/ngày.

Thị trường ma túy ở khu vực Đông và Đông Nam Á đã chuyển từ thuốc phiện sang methamphetamine kể từ khoảng nửa cuối thập niên 2000. “Chuyển sang methamphetamine đã ảnh hưởng ngay cả những quốc gia lâu nay nổi tiếng có thị trường tương đối lớn về heroin, chẳng hạn như Trung Quốc và Malaysia. Tại Malaysia, số người chơi methamphetamine bị lực lượng thực thi pháp luật nước này phát hiện đã vượt mặt số lượng đối tượng sử dụng heroin lần đầu tiên hồi năm 2017”- báo cáo nêu rõ.

“Giết người bằng thuốc giả”

Cũng liên quan đến sức khỏe con người, gần đây các bác sĩ Mỹ và hãng dược Pfizer lo ngại nạn thuốc giả và thuốc kém chất lượng gia tăng đồng nghĩa mỗi năm sẽ có 250.000 trẻ em trên thế giới chết do uống phải “thuốc dỏm” khi điều trị các bệnh sốt rét và viêm phổi.

Phần lớn những ca tử vong này xảy ra ở những quốc gia có nhu cầu thuốc cao, cộng với các quy định, kiểm soát chất lượng và giám sát yếu kém tạo điều kiện cho các băng nhóm tội phạm xâm nhập thị trường dược phẩm. Các cuộc kiểm tra chất lượng thuốc đã phát hiện nhiều bản sao “dỏm” và kém hiệu quả của nhiều loại thuốc, bao gồm thuốc chống sốt rét, thuốc kháng sinh, thuốc điều trị ung thư và tim mạch. Nhiều hàng giả có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ và “thành phần thuốc” rất phong phú, từ mực in, thuốc màu cho đến thạch tín. Thuốc giả không có tác dụng điều trị bệnh hoặc không thể tan hoàn toàn khi uống.

Có đến 10% dược phẩm ở những nước có thu nhập trung bình và thấp là thuốc giả hoặc kém chất lượng, gây tổn thất kinh tế các nước 10-200 tỉ USD/năm. Năm ngoái, Pfizer phát hiện 95 loại thuốc giả tại 113 quốc gia, so với 29 sản phẩm ở 75 nước hồi năm 2008. Những loại thuốc giả được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kháng thuốc, châm ngòi cho sự bùng phát siêu khuẩn.

THANH BÌNH (Theo AP, Guardian)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
methamphetamine