15/11/2020 - 08:47

Bài toán khó của điện ảnh Anh 

Trước dịch bệnh COVID-19, ngành sản xuất phim điện ảnh và truyền hình Anh đang “ăn nên làm ra” với nguồn đầu tư từ nước ngoài đạt kỷ lục 4,77 tỉ USD trong năm 2019 (chủ yếu từ Mỹ). Điều này tạo kỳ vọng năm 2020 sẽ tăng trưởng mạnh hơn. Thế nhưng, dịch bệnh COVID-19 bùng phát, ngành công nghiệp điện ảnh Anh chìm trong bóng tối. Đến nay tuy có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn còn nhiều gian nan.

Cảnh trong “Last Night In Soho”.

Cảnh trong “Last Night In Soho”.

Adrian Wootton, Giám đốc điều hành Ủy ban Ðiện ảnh Anh, cơ quan chịu trách nhiệm thúc đẩy các công ty nước ngoài đến và làm phim tại Anh, cho biết: “Mọi thứ trở lại số 0 và hoàn toàn đóng băng”. Lệnh đóng cửa tất cả các rạp chiếu phim tại Anh được ban hành vào tháng 3, khiến hệ thống rạp và các đơn vị phát hành điêu đứng. Khi dịch bệnh tạm thời được kiểm soát, Chính phủ Anh cho phép các rạp hoạt động trở lại với các tiêu chí an toàn nghiêm ngặt. Hồi tháng 7, Thủ tướng Boris Johnson đã tuyên bố cấp gần 2 tỉ USD cho các viện văn hóa và nghệ thuật để giúp khắc phục tác động của dịch bệnh. Với sự giúp đỡ này, hoạt động chiếu phim và sản xuất dần hồi sinh, các hãng sản xuất, nhà làm phim trong nước và Hollywood tiếp tục công việc dang dở.

Ðạo diễn Richard Clark, phụ trách “War Of The Worlds” mùa 2, cùng đoàn phim hơn 70 người trở lại xứ Wales để quay tiếp, dù không dễ dàng như trước. Ông cho biết: “Mọi người phải làm quen với việc nhét bông y tế trong mũi và giữ nghiêm các quy định về phòng dịch bệnh. Nhân viên trong đoàn làm phim có thể thay thế được, nhưng dàn diễn viên chính thì không. Nếu một trong số họ bị ốm, toàn bộ trường quay đóng băng”. Vì vậy khi kết thúc một ngày quay, phim trường và phục trang đều được phun xịt khử khuẩn. Mọi người phải đeo khẩu trang, kể cả khi quay phim ngoài trời.

Sarah Jane Wright, Trưởng bộ phận sản xuất của Working Title Films (công ty con của Universal Pictures), cho biết trường quay nơi cô làm việc cũng tương tự như vậy. Sarah Jane Wright đang sản xuất “Last Night In Soho”, phim tâm lý kinh dị lấy bối cảnh ở London những năm 1960, cần đông người tham gia tại phim trường lớn với bối cảnh thay đổi liên tục. Vì vậy, cô phải phân chia nhiều nhóm nhỏ, quản lý phức tạp hơn và tất nhiên sẽ tốn kém cũng như kéo dài quá trình sản xuất hơn. Ước tính chi phí sẽ tăng từ 15-25% tổng ngân sách sản xuất. Một ví dụ khác là Universal Pictures đã chi 6,5 triệu USD cho “Jurassic World: Dominion” chỉ để phòng, chống dịch bệnh trên phim trường. Ðó là con số không nhỏ với ngay cả các hãng phim Hollywood có tiềm lực tài chính lớn, khả năng phục hồi nhanh; cho nên đây là khoản chi phí có vẻ quá sức với các hãng phim độc lập. Dẫu vậy, các hãng, dù lớn hay nhỏ, vẫn phải tiếp tục các dự án đang dang dở. “Mission: Impossible 7”, “The Little Mermaid”, “The Batman”, “The Witcher” mùa 2, “Bell Bottom”… đã khởi động lại tại Anh.

Quá trình sản xuất khó khăn là vậy, hiện nay lại nảy sinh vấn đề các rạp chiếu muốn dừng hoạt động. Hồi tháng 10, Mooky Greidinger, Giám đốc điều hành Cineworld (chuỗi rạp lớn thứ hai thế giới), thông báo sẽ đóng cửa tạm thời tất cả 128 rạp của họ tại Anh và Ireland. Quyết định này được đưa ra ngay khi có thông tin phim “No Time To Died” dời lịch chiếu từ tháng 11-2020 sang tháng 4-2021. Ðiều này dựa trên việc lượng khán giả đến rạp tại Anh đang tuột dốc không phanh, đến mức thấp nhất kể từ năm 1928.

Các rạp của Cineworld đóng cửa đã tác động đến hệ thống các rạp khác như Odeon và Vue. Hai chuỗi rạp này không đóng cửa hoàn toàn, mà chỉ mở vài ngày trong tuần. Tim Richards, Giám đốc điều hành của Vue, cho biết: “Các rạp vẫn có sự kỳ vọng khi “Tenet” được phát hành”. Phim này được xem như cứu tinh trong giai đoạn ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu đang khủng hoảng. Mặc dù doanh thu của “Tenet” ở thị trường quốc tế khoảng 300 triệu USD, nhưng việc phim ra mắt không thành công ở thị trường Bắc Mỹ đã khiến nhiều đơn vị e dè. Nhiều hãng phim đặt kỳ vọng vào thị trường New York và Los Angeles, nhưng rạp chiếu ở hai nơi này vẫn chưa được phép mở cửa. Bài học từ “Tenet” đã khiến đơn vị sản xuất “No Time To Died” thay đổi lịch phát hành vì muốn phim được ra rạp đồng bộ toàn cầu, kéo theo hàng loạt hệ lụy mà quan trọng nhất là thị trường của họ bị thu hẹp dần. Tim Richards nói: “Ðợi chờ vào việc phát hành toàn cầu sẽ không khả thi trong tình cảnh hiện tại. Tôi nghĩ các hãng phim nên suy xét đến việc phát hành phim ở những thị trường khác nhau. Hiện có gần 75-80% các rạp chiếu trên thế giới vẫn đang mở cửa”.

Các hãng phim không tung ra sản phẩm vì cho rằng không có đủ người xem đến rạp, trong khi các rạp mở cửa nhưng không có đủ sức hút để lôi kéo người xem vì không có tác phẩm mới. Ðó là nguyên do vì sao một số phim đã phải ra mắt ở nền tảng trực tuyến, trong khi các phim khác cứ dời lịch phát hành vô thời hạn.

Với các rạp độc lập, việc duy trì hoạt động đang là một thử thách thật sự. Rạp Peckhamplex ở London vốn nổi tiếng với mức giá 4,99 bảng, đã quyết định đóng cửa từ giữa tháng 9. Trong quyết định công bố đóng cửa, đại diện Peckhamplex nói rằng các nhà phát hành đang sắp xếp các lịch chiếu phim với thời gian chưa xác định. Tuy nhiên, một số rạp độc lập khác như: HOME, Watershed tự tìm hướng đi với dòng phim độc lập, hay các phim phát lại. Jonathan Foster, Giám đốc kinh doanh của rạp Prince Charles, cho rằng: “Chúng tôi biết không thể dựa vào các phim mới, nên chiếu lại những phim kinh điển để tìm thị trường ”.

Ðể tồn tại, ngành điện ảnh Anh đang phải đối mặt với nhiều vấn đề và mỗi đơn vị đang tự xoay trở để tìm lối ra.

BẢO LAM
(Tổng hợp từ Hollywoodreporter, Sundaytimes, Guardian)

Chia sẻ bài viết