07/05/2019 - 20:35

Bắc cực nóng bỏng

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã “làm nóng” bầu không khí trước thềm cuộc họp Hội đồng Bắc Cực được tổ chức 2 năm một lần  bằng tuyên bố Washington sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở cực Bắc của Trái đất nhằm kiềm chế “hành vi xâm lấn” của Nga và Trung Quốc tại khu vực giàu dầu mỏ và khoáng sản này. “Bắc Cực là nơi hoang vu không có nghĩa nó trở thành nơi vô luật pháp (quốc tế)” - ông Pompeo nhắn gởi đến Nga và Trung Quốc.

Hội nghị năm nay diễn ra tại thành phố Rovaniemi của Phần Lan từ ngày 7-5. Hội đồng Bắc Cực có 8 quốc gia thành viên gồm : Mỹ, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Nga, cùng các nước quan sát viên gồm Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Ý, Nhật Bản và Trung Quốc. Hội đồng Bắc Cực là nơi để các quốc gia thảo luận về hợp tác kinh tế, nghiên cứu môi trường và giao lưu văn hóa khu vực.

Tuy nhiên, khu vực hòa bình và hợp tác này đang dần chuyển đổi theo hướng cạnh tranh quyền lực, thách thức an ninh. “Bắc Cực đang trở thành sân khấu cho quyền lực và cạnh tranh. Và 8 quốc gia thành viên phải thích ứng cho tương lai mới này” - Ngoại trưởng Pompeo bình luận, đồng thời lưu ý Trung Quốc hồi năm ngoài đã tự nhận mình là “quốc gia gần Bắc Cực” và đặt tham vọng xây dựng “Con đường tơ lụa Bắc Cực”. Theo nhà ngoại giao Mỹ, chỉ có các nước Bắc Cực và không phải Bắc Cực chứ không có loại “gần Bắc Cực”, khi mà điểm cực Bắc của lãnh thổ Trung Quốc cách Bắc Cực đến 1.450km. Ông Pompeo tự vấn: “Chúng ta có muốn Bắc Cực chuyển đổi thành một Biển Đông mới với đầy quân sự hóa và tranh chấp chủ quyền hay không?”. Mới đây, báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc thậm chí đưa tàu ngầm đến Bắc Cực bên cạnh tàu phá băng.

Đối với Nga, Ngoại trưởng Pompeo cho rằng Mát-xcơ-va hành xử bất hợp pháp khi yêu cầu tàu nước ngoài muốn đi qua Tuyến đường biển phía Bắc phải xin phép Nga, nếu không có thể bị đánh chìm. Ông còn cáo buộc “các hành động khiêu khích” của Nga khi tái quân sự hóa Bắc Cực bằng cách mở lại các căn cứ quân sự từ thời Xô-viết.

     Thế Mỹ thì sao? Trong đợt tập trận năm 2018 của NATO, Mỹ lần đầu tiên trong gần 3 thập niên đưa tàu hải quân đến phía Bắc của Vòng Bắc Cực, đó lại là tàu sân bay Harry S. Truman. Giới quân sự Mỹ coi Bắc Cực là “tuyến phòng thủ hàng đầu”. Máy bay quân sự Mỹ cũng vừa trở lại căn cứ Keflavik của Phần Lan kể từ năm 2006. Và sắp tới, Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố tham vọng của Mỹ tại Bắc Cực là tổ chức tập trận, tăng cường hiện diện quân sự, tái lập hạm đội phá băng và mở rộng nguồn quỹ cho lực lượng bảo vệ bờ biển. Vào đầu tháng 6 tới, theo yêu cầu của Quốc hội Mỹ, Lầu Năm Góc sẽ trình chiến lược quốc phòng mới đối với Bắc Cực.  Xét về mặt kinh tế, ông Pompeo cho rằng tình trạng biến đổi khí hậu làm tan băng tại Bắc Cực sẽ mở ra “cơ hội mới cho thương mại” và nơi đây có thể thành “kênh đào Suez và Panama của thế kỷ 21”.

Bắc Cực rõ ràng  đang đứng trước cục diện thay đổi lớn và có thể trở thành điểm nóng xung đột mới của thế giới.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết