|
Cánh đồng lúa trĩu hạt ở Thái Lan. Ảnh: enews |
* Tổ chức các nước xuất khẩu gạo sẽ sớm ra đời
* Philippines kêu gọi thành lập kho dự trữ gạo quốc tế
(TTXVN)- Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Surin Pitsuwan ngày 29-4 khẳng định ASEAN sẵn sàng giải quyết vấn đề giá lương thực tăng cao thông qua một số biện pháp, trong đó có việc tăng cường cơ chế an ninh lương thực hiện nay.
Ông Pitsuwan cho biết ngoài việc giải quyết vấn đề giá lương thực tăng cao, ASEAN sẽ đảm bảo nguồn cung lúa gạo thỏa đáng trong thời gian dài để ngăn ngừa bất kỳ tác động tiêu cực nào đối với các nền kinh tế trong khối này. Là khu vực xuất khẩu nhiều mặt hàng lương thực, ASEAN có đủ lượng cung lương thực cho người dân của khối này cũng như nhân dân trên thế giới. Số liệu của Hệ thống Thông tin an ninh lương thực ASEAN (AFSIS) cho thấy tổng sản lượng lúa gạo của ASEAN đã tăng đều đặn từ 120,7 triệu tấn năm 1993 lên 178,8 triệu tấn năm 2006.
Để đối phó với tình trạng giá lương thực tăng cao trên toàn thế giới, Chính phủ Thái Lan, nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, ngày 29-4 đã thông qua kế hoạch bán gạo từ kho dự trữ quốc gia để góp phần giữ giá bán trong nước ở mức thấp. Thủ tướng Thái Lan Samak Sundaravej cho biết chính phủ sẽ bắt đầu bán các bao gạo 5 kg với giá 170 baht (5,37 USD) trong khi mức giá trên thị trường hiện nay là 200 baht (6,31 USD). Ông Samak cho biết việc bán gạo của chính phủ sẽ bắt đầu trong khoảng hai tuần tới, nhưng không nói rõ bao nhiêu trong số 2,1 triệu tấn gạo dự trữ của nước này sẽ được bán ra thị trường.
* Một tổ chức các nước xuất khẩu gạo theo mô hình của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có thể sẽ sớm ra đời nhằm tăng cường “sức mạnh tập thể” đối với thị trường gạo thế giới trong bối cảnh cơn sốt giá lương thực kéo dài nhiều tháng qua đang đe dọa gây mất ổn định tình hình chính trị - xã hội cho nhiều quốc gia trên thế giới.
Khả năng này đã được Thủ tướng Thái Lan Samak Sundaravej đề cập trong cuộc tiếp xúc với báo giới tại Bangkok ngày 30-4. Ông cho biết nhóm các nước khu vực sông Mekong, gồm Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar, đã nhất trí trên nguyên tắc thành lập một tổ chức chung nhằm phối hợp hành động để kiểm soát giá gạo trên thị trường thế giới. Tổ chức này có thể gọi là OREC (Tổ chức các nước xuất khẩu gạo) và hoạt động theo mô hình của OPEC.
Ý tưởng thành lập OREC đã được chính Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đề xuất cách đây không lâu, khi giá gạo thế giới đã tăng gần gấp đôi chỉ trong vòng 3 tháng. Thái Lan hy vọng, nếu OREC được thành lập sẽ quyết định được giá gạo trên thị trường thế giới giống như OPEC kiểm soát giá dầu.
* Trong khi đó, Philippines đã kêu gọi thành lập kho dự trữ gạo quốc tế để bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu trong bối cảnh giá cả không ngừng leo thang.
Ngày 30-4, phát biểu với hãng tin tài chính Dow Jones Newswires, Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines Arthur Yap cho biết kho dự trữ này sẽ do Liên Hiệp Quốc hoặc Ngân hàng Thế giới (WB) đứng ra thành lập với mục đích chính là cất giữ gạo và mang ra phân phối khi thiếu hàng nhằm ổn định giá cả. Kho dự trữ quốc tế này sẽ hoạt động trên cơ sở một hệ thống phân phối đặc biệt, cho phép mọi quốc gia trên thế giới đều được mua gạo từ đây.