THANH TRÚC (Tổng hợp)
Anh đã đạt được thỏa thuận tham gia Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - một cột mốc quan trọng trong nỗ lực xây dựng quan hệ đối tác thương mại mới kể từ khi Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu cách đây 3 năm và đóng một vai trò lớn hơn trong khu vực Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương.
Thủ tướng Rishi Sunak khẳng định gia nhập CPTPP mang lại cho Anh nhiều cơ hội mới. Ảnh: AP
Thỏa thuận trên đạt được tại cuộc họp trực tuyến cấp bộ trưởng của Nhóm làm việc về gia nhập CPTPP ngày 31-3. Với thỏa thuận này, Anh trở thành thành viên châu Âu đầu tiên và không phải là thành viên sáng lập tham gia CPTPP. Trong thông báo xác nhận, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết: “Chúng ta là một quốc gia cởi mở và tự do thương mại, thỏa thuận này thể hiện những lợi ích kinh tế thực sự trong các quyền tự do hậu Brexit của chúng ta. Là một phần của CPTPP, Anh đang ở vị trí hàng đầu trong nền kinh tế toàn cầu để nắm bắt những cơ hội mới về việc làm, tăng trưởng và đổi mới”. Theo thông báo của Văn phòng Thủ tướng Anh, CPTPP sẽ là khối thương mại gồm hơn 500 triệu người và chiếm 15% GDP toàn cầu khi Anh trở thành thành viên thứ 12. Thông báo nêu rõ sau 21 tháng “đàm phán căng thẳng”, Anh sẽ là “trung tâm của một nhóm gồm các nền kinh tế năng động” và là bằng chứng của việc “nắm bắt cơ hội của tự do thương mại mới hậu Brexit”.
Ðộng thái trên giúp Anh thực hiện một cam kết quan trọng với những người đã ủng hộ Brexit, rằng sau khi rời EU, Anh có thể tham gia các khối thương mại khác với các nền kinh tế đang phát triển nhanh hơn những nền kinh tế gần về địa lý.
Dự kiến thỏa thuận mới sẽ được trình lên hội nghị cấp bộ trưởng của CPTPP để phê chuẩn vào tháng 7 tới. Tuyên bố sau cuộc họp cho biết Nhóm làm việc, do Nhật Bản chủ trì, sẽ phối hợp với Anh để hoàn tất tiến trình gia nhập đúng lúc. Ðây sẽ là sự kiện đánh dấu đợt mở rộng đầu tiên của hiệp định và giúp tăng sự đóng góp của khối trong GDP toàn cầu từ 12% lên 15%. CPTPP được xem là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, với các thành viên là Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Sau khi Anh trở thành thành viên, CPTPP sẽ trở thành thị trường của hơn 500 triệu dân với tổng GDP ước tính hơn 13,6 ngàn tỉ USD.
Theo Hãng tin Reuters, tổng kim ngạch xuất khẩu của Anh sang các nước thành viên CPTPP là 60,5 tỉ bảng Anh trong năm tài chính kết thúc vào tháng 9-2022 và giới chức nước này kỳ vọng con số trên sẽ tăng mạnh sau khi tham gia hiệp định thương mại. Họ cũng cho biết hơn 99% hàng hóa xuất khẩu của Vương quốc Anh sẽ đủ điều kiện được hưởng mức thuế bằng 0, bao gồm phô mai, ô tô và rượu whisky. “Tham gia CPTPP sẽ hỗ trợ việc làm và tạo cơ hội cho các công ty lớn nhỏ khắp mọi miền của Vương quốc Anh. Nó giúp các doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn với các quốc gia là cửa ngõ vào khu vực rộng lớn hơn ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, nơi được dự đoán sẽ chiếm phần lớn tăng trưởng toàn cầu trong tương lai” - Bộ trưởng Thương mại và Kinh doanh Anh Kemi Badenoch cho biết.
Thỏa thuận này cũng mang ý nghĩa lớn trong bối cảnh Anh đang tìm cách mở rộng vị thế ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc gia tăng.
Trong bản cập nhật chiến lược quốc phòng và ngoại giao tháng 3, các quan chức Anh cho biết các chính sách của Trung Quốc tạo ra “thách thức mang tính hệ thống, tác động đến hầu hết mọi lĩnh vực trong chính sách của chính phủ và cuộc sống hàng ngày của người dân Anh. “Ưu tiên của chúng ta là hợp tác và hiểu biết tốt hơn, cũng như khả năng dự đoán và ổn định vì lợi ích chung toàn cầu” - báo cáo cho biết.
Trước đó, trong nỗ lực nhằm kiểm soát ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, Anh đã tham gia liên minh quân sự ba bên Aukus cùng với Mỹ và Úc vào tháng 9-2021. Ðầu tháng 3-2023, ba nước nhất trí cùng phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân như một phần của liên minh, điều khiến Bắc Kinh nổi giận. Hồi tháng 1-2023, Anh và Nhật Bản cũng đã ký một thỏa thuận quốc phòng quan trọng giúp hai nước dễ dàng tham gia các cuộc tập trận quân sự chung và triển khai quân đội tới quốc gia của nhau…
“CPTPP có thể cho phép Anh tăng cường quan hệ chiến lược với các quốc gia có cùng chí hướng để bảo vệ khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở” - Minako Morita-Jaeger, nhà nghiên cứu chính sách tại Cơ quan rà soát Chính sách Thương mại của Anh, nhận định về lợi ích khi Anh tham gia CPTPP..
CPTPP ban đầu có tên là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sau khi nhậm chức vào năm 2017, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ - ông Donald Trump - đã rút Mỹ ra khỏi TPP, các nước còn lại đã nỗ lực đàm phán để đạt được hiệp định mới và ký kết vào tháng 3-2018. Trung Quốc, quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu, đã nộp đơn xin tham gia CPTPP vào tháng 9-2021 và cam kết tiếp tục cải cách vào tháng 10-2022 như một phần trong nỗ lực tham gia hiệp định thương mại tự do này.