22/11/2023 - 11:06

Ăn ở mất vệ sinh sẽ bị phạt tiền 

Chính quyền huyện Phổ Cách thuộc châu tự trị dân tộc Di Lương Sơn, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) quyết định sẽ phạt tiền những người không dọn giường, có thói quen ăn uống không tốt và không rửa chén… nhằm cải thiện điều kiện vệ sinh ở khu vực này.

Chính quyền Phổ Cách cho biết chính sách mới nhằm xóa bỏ lối sống mất vệ sinh. Ảnh: Shutterstock

Chính quyền Phổ Cách cho biết chính sách mới nhằm xóa bỏ lối sống mất vệ sinh. Ảnh: Shutterstock

Chính sách mới có tên “Tiêu chuẩn tốt về môi trường sống cho con người ở vùng nông thôn mới”, nhằm mục đích nâng cao điều kiện sống và liệt kê 14 loại hành vi có thể bị phạt tiền. Theo đó, người dân sẽ bị phạt 10 Nhân dân tệ (khoảng 34.000 đồng) nếu không dọn giường hoặc để bát đĩa chưa rửa, phạt 20 NDT nếu ngồi xổm, ngồi bệt dưới đất khi ăn. 

Những khoản phạt khác bao gồm mức phạt 5 NDT nếu bị phát hiện nhiều mạng nhện trong nhà, phạt từ 3 đến 10 NDT nếu trong sân để đồ đạc bừa bộn hoặc có phân, tùy theo mức độ mất vệ sinh. Thông báo cũng nhấn mạnh tiền phạt sẽ tăng gấp đôi nếu tái phạm.

Một quan chức huyện Phổ Cách khẳng định rằng các mức phạt mới vẫn đang được soạn thảo, nhưng mục tiêu là giải quyết vấn đề phổ biến hiện nay là điều kiện sống bẩn thỉu, bừa bộn, có rất nhiều rác và muỗi… có thể làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. “Thành thật mà nói, tiền phạt không thể giải quyết hiệu quả những vấn đề này. Chúng tôi đang sử dụng hình thức phạt tiền như một biện pháp răn đe”, ông này nói thêm.

Dùng tiền phạt để cải thiện cuộc sống người dân

Chính quyền địa phương cho biết họ sẽ tái đầu tư số tiền phạt thu được cho cộng đồng. “Ví dụ, nếu một hộ gia đình bị phạt 3 NDT, chúng tôi sẽ dùng tiền đó mua chổi cho họ. Nếu phạt 10 NDT, chúng tôi sẽ mua chậu rửa chén cho họ. Mục tiêu của chúng tôi là chuyển hóa những thói quen mất vệ sinh này, đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn”, quan chức trên cho biết. 

Dù vậy, chính sách phạt tiền hành vi sống thiếu vệ sinh cũng gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Một số người cho rằng việc này vượt quá thẩm quyền của chính quyền và họ không nên can thiệp quá mức vào cuộc sống người dân. Tuy nhiên, những người khác lại ủng hộ các hình phạt nói trên trong bối cảnh nông thôn đang đổi mới và xóa đói giảm nghèo.

Một người bình luận: “Những tình huống thái quá luôn thúc đẩy những chính sách thái quá. “Bất kỳ ai từng đến thăm huyện tự trị Di Lương Sơn đều có thể thấy những yêu cầu này khá hợp lý”. “Ở một số nơi nghèo khó, việc thay đổi phong tục tập quán cần có sự tác động từ bên ngoài. Ngoài phạt tiền, có lẽ không còn giải pháp nào tốt hơn” - một người khác bày tỏ ủng hộ.

HẠNH NHÂN (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết