28/07/2009 - 09:01

Ấn Độ sản xuất tàu ngầm hạt nhân

Tàu ngầm hạt nhân INS Arihant trước khi hạ thủy.
Ảnh: Pakistannews

Hải quân Ấn Độ ngày 26-7 đã làm lễ hạ thủy chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên do nước này sản xuất với sự hỗ trợ kỹ thuật của Nga. Như vậy, Ấn Độ đã chính thức gia nhập “Câu lạc bộ các nước có khả năng chế tạo tàu ngầm hạt nhân” cùng với Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh. Tàu ngầm hạt nhân mang tên INS Arihant (Hủy diệt kẻ thù) này dự kiến sẽ thực hiện các hoạt động thử nghiệm tại Vịnh Bengal trước khi được đưa vào biên chế hải quân trong vòng 3-5 năm tới. Arihant nặng 6.000 tấn, chiều dài 112 mét, có thể chở 100 thủy thủ, được trang bị thủy lôi và tên lửa, trong đó có 12 tên lửa đạn đạo có thể bắn trúng mục tiêu ở cách xa 700 km. Nó được vận hành bằng một lò phản ứng hạt nhân có công suất 85 MW, có thể đạt vận tốc 44 km/giờ. Arihant là chiếc đầu tiên trong số 2 chiếc tàu ngầm hạt nhân tương tự do Ấn Độ tự chế với sự giúp đỡ kỹ thuật của Nga và dựa trên mô hình của chiếc Charlie 1 mà nước này thuê của Liên Xô hồi cuối những năm 1980. Nó nằm trong kế hoạch sản xuất cả thảy 5 tàu ngầm hạt nhân trị giá 2,9 tỉ USD của New Delhi.

Theo báo chí Ấn Độ, Arihant là kết quả của 25 năm miệt mài nghiên cứu của các nhà khoa học quân sự nước này với sự ủng hộ của Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay sau khi Trung Quốc trở thành quốc gia sản xuất tàu ngầm hạt nhân năm 1971. Sự ra đời của Arihant sẽ giúp Ấn Độ hoàn thành “bộ ba” mũi nhọn tấn công hạt nhân, tức gồm từ trên không, mặt đất và dưới biển. Ngoài mô hình tàu Arihant, Ấn Độ có thể thiết kế một loại tàu khác dựa theo mô hình một tàu ngầm hạt nhân hiện đại của Nga mà nước này sẽ thuê vào đầu năm tới trong thời hạn 10 năm. Hiện nay Ấn Độ có 16 tàu ngầm chạy bằng điện và dầu diesel nhập từ Nga và Đức được sản xuất cách đây đã 25-40 năm.

Các nhà phân tích cho rằng kế hoạch của Ấn Độ có thể làm quốc gia láng giềng Pakistan “sốt dạ”. Tuy nhiên, theo kênh truyền hình CCN và hãng tin AP của Mỹ, việc sản xuất tàu ngầm hạt nhân Arihant cho thấy New Delhi mới thực sự là bên lo ngại trước sự lớn mạnh về hải quân của Trung Quốc, và nhất là chiến lược “bao vây” Ấn Độ thông qua chính sách trang bị vũ khí cho Pakistan và Sri Lanka tại khu vực Nam Á. Thủ tướng Manmohan Singh mặc dù tuyên bố tàu ngầm hạt nhân của Ấn Độ không nhằm tấn công hay đe dọa bất kỳ ai mà chỉ bảo vệ sự phát triển hòa bình và các giá trị riêng của nước này, nhưng nhấn mạnh biển đang trở thành yếu tố quan trọng đối với các lợi ích an ninh, và vì vậy Ấn Độ phải điều chỉnh khả năng ứng phó quân sự trong môi trường khu vực đang thay đổi.

KIẾN HÒA (Theo BBC, AP, CNN, DH)

Chia sẻ bài viết