12/09/2015 - 10:06

Ấn Độ quyết thu hồi “tiền đen” từ nước ngoài

Một trong những cam kết đưa ông Narendra Modi (ảnh) đến với chiếc ghế Thủ tướng Ấn Độ hồi tháng 5-2014 là sẽ thu hồi hàng tỉ USD tiền trốn thuế còn gọi là "tiền đen", mà giới siêu giàu của nước này mang ra nước ngoài cất giấu trái phép.

Ảnh: ibnlive.com

 

Không lâu sau khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo Ấn Độ tuyên bố sẽ thu về lượng "tiền đen" ở nước ngoài và sử dụng chúng để phát triển đất nước. Không ai biết chính xác lượng "tiền đen" mà giới nhà giàu Ấn Độ giấu trong nước và nước ngoài, nhưng ước tính con số này trong khoảng từ 400 tỉ USD đến 1.000 tỉ USD. Lâu nay ở Ấn Độ xuất hiện tình trạng "tham nhũng địa phương", tức người giàu có khuynh hướng giấu tài sản của họ bằng cách dự trữ tiền mặt, nữ trang và các tác phẩm nghệ thuật đắt tiền tại các "thiên đường" trốn thuế ở nước ngoài.

Bất động sản được cho là một nơi giấu tiền trốn thuế phổ biến ở Ấn Độ. "Đất đai là nơi mà các chính trị gia và doanh nhân Ấn Độ ký gửi lượng tiền đen tối đa. Khoảng 30% trong tổng số các giao dịch đất đai trên khắp quốc gia Nam Á này thực hiện bằng tiền mặt"- Pankaj Kapoor, nhà sáng lập công ty nghiên cứu bất động sản Liases Foras ở Mumbai, nhận định. "Tiền đen" còn được cho đã ăn sâu vào hệ thống chính trị Ấn Độ. Theo Hiệp hội Cải cách Dân chủ, 80% thu nhập của 5 đảng chính trị quốc gia không biết từ đâu đến.

Những tháng gần đây, Chính phủ Ấn Độ nỗ lực chặn đứng văn hóa "tiền đen" bằng nhiều giải pháp, trong đó bắt buộc khai báo thuế đối với những người mua sắm với lượng tiền lớn, ứng dụng công nghệ sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt…) vào tài khoản ngân hàng, mở các cổng đóng thuế mới và khuyến kích sử dụng thẻ tín dụng. Hồi tháng 5 năm nay, Quốc hội Ấn Độ đã thông qua luật về "tiền đen", dự kiến có hiệu lực vào tháng 4- 2016. Theo qui định này, hình phạt sẽ cao hơn trước đến 90%, người phạm tội có thể bị truy tố hình sự với án phạt lên đến 10 năm tù giam. Điều này đã gây "hoang mang" cũng như thay đổi lối sống khoe của ở giới thượng lưu Ấn Độ.

Dù vậy, cuộc phỏng vấn với các nhân viên kế toán, quan chức thuế và doanh nhân lại cho thấy những tháng gần đây, giới nhà giàu ở Ấn Độ đã tìm nhiều cách để đối phó với qui định trên, trong đó có "chiến thuật" đưa các thành viên gia đình ra nước ngoài trong 182 ngày, sau đó họ trở thành "khách vãng lai" với các tài khoản và doanh nghiệp nước ở ngoài, nơi các thành viên gia đình có thể giấu tiền. Ngoài ra, các công ty quốc tế gần đây bắt đầu sử dụng gói các sản phẩm bảo hiểm mới nhằm che giấu và đưa tiền trái phép đến các địa điểm như Dubai (Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất) và Singapore để rồi từ đây tiền có thể được mang trở về Ấn Độ một cách hợp pháp.

THANH BÌNH (Theo Reuters, ndtv.com)

Chia sẻ bài viết