
|
Thủ tướng Gordon Brown và bà Pratt. Ảnh: AFP |

|
Báo giới Anh ngày 23-2 cho biết các đảng đối lập xứ sương mù đang kêu gọi tiến hành điều tra cáo buộc nói rằng Thủ tướng Gordon Brown có hành vi bắt nạt nhân viên của mình. Số là trong cuốn sách phát hành mới đây của nhà báo chính trị Andrew Rawnsley, Thủ tướng Brown được mô tả là người hay nổi cáu và bắt nạt nhân viên, với những hành động như túm áo, xô đẩy và la hét họ. Theo quyển sách này, vì lo ngại những cơn thịnh nộ quá mức của ông Brown, Bộ trưởng Nội các Gus ODonnell từng phải nói chuyện với thủ tướng về hành vi ứng xử.
Vụ việc cũng không gì ồn ào, nếu như không có chuyện bà Christine Pratt, nhà sáng lập Hội cứu tế hành hung quốc gia (NBH), hôm 21-2 rêu rao rằng “3 hoặc 4” nhân viên của ông Brown đã gọi tới đường dây nóng của tổ chức này, để phàn nàn về môi trường làm việc tại số 10 phố Downing từ “3 hoặc 4” năm qua (thậm chí trước lúc ông Brown làm thủ tướng). Chưa hết, báo The Times (Anh) còn tung tin 1/3 trong số 1.270 nhân viên phủ thủ tướng muốn bỏ việc, trong đó 6% muốn ra đi càng sớm càng tốt, và hơn 50% nói họ cảm thấy không an toàn khi phát ngôn.
Không biết nhà báo Rawnsley và tờ The Times thì sao, nhưng với tiết lộ trên, bà Pratt như đang “ngồi trên lửa” vì bị cáo buộc mang động cơ chính trị trong một âm mưu gây rối thủ tướng trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử ở Anh đang tới gần. Toàn bộ 4 nhà bảo trợ cho NBH là nghị sĩ Bảo thủ Ann Widdecombe, người dẫn chương trình truyền hình Sarah Cawood, giáo sư tâm lý - sức khỏe Cary Cooper và nghị sĩ vùng Hillingdon Mary OConnor, lần lượt dắt tay nhau từ bỏ tổ chức này hôm 22-2. Họ ra đi vì không đồng tình với cái cách mà bà Pratt muốn “làm nổi” NBH, tổ chức được thành lập năm 2003 nhằm bảo vệ những người bị bắt nạt.
Sự thể trở nên rõ ràng hơn khi bà Pratt thừa nhận những cáo buộc về hành vi ứng xử của thủ tướng là không có cơ sở hoặc là sản phẩm của sự tưởng tượng, đồng thời nhấn mạnh rằng không có ai trực tiếp cáo buộc thủ tướng với NBH. Cả Công đảng cầm quyền và đảng Bảo thủ đối lập đều chỉ trích bà Pratt. Rõ ràng, bà Pratt chẳng những không thể “làm nổi” NBH, mà còn tự rước họa vào thân. Trong khi đó, uy tín của Thủ tướng Brown và Công đảng cầm quyền sau vụ này đã bất ngờ tăng lên. Kết quả cuộc thăm dò dư luận do báo Guardian/ICM tiến hành và công bố hôm 22-2 cho thấy khoảng cách giữa Công đảng với đảng Bảo thủ đối lập đã được thu hẹp xuống còn khoảng 7%. So với tháng rồi, tỷ lệ ủng hộ đảng Bảo thủ giảm 3% còn 37%, trong khi Công đảng tăng 8% lên 30%.
N. KIỆT (Theo Guardian, The Times, AP)