24/11/2012 - 20:18

Ai Cập trước nguy cơ chia rẽ và khủng hoảng

Dấu hiệu về một sự chia rẽ đang gia tăng rõ rệt ở xứ sở Kim tự tháp khi hình ảnh đối lập giữa những người ủng hộ Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi với đám đông biểu tình hô vang các khẩu hiệu phản đối diễn ra trên khắp đất nước này hôm 23-11.

Đám đông biểu tình đốt văn phòng đảng Tự do và Công lý (FJP) của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo ở thành phố
Alexandria. Ảnh: AP 

Sự việc bắt đầu khi Tổng thống Morsi bất ngờ ban hành sắc lệnh mới xem xét lại các thủ tục tư pháp, trong đó cho phép tổng thống thay thế công tố viên và ra lệnh khởi động việc điều tra liên quan đến giới chức trách đã từng sát hại người biểu tình trong cuộc nổi dậy chống lại chế độ của cựu Tổng thống Mubarak hồi năm ngoái. Sắc lệnh trên ngay lập tức đã vấp phải sự lên án từ các thế lực đối lập khi cho rằng đây sẽ là một "cuộc đảo chính" nhằm vào thể chế nhà nước và các qui định pháp luật. Ngoài ra, những người phản đối còn cáo buộc đây là "hành động chiếm quyền" và ông Morsi đang trở thành một "Mubarak mới", trong khi những người ủng hộ tổng thống cho đây là động thái cần thiết tại thời điểm các thẩm phán và công tố viên thiết lập quá nhiều chướng ngại cản trở chương trình nghị sự của tổng thống.

Phát biểu trước dinh tổng thống ở Thủ đô Cairo với trăm người ủng hộ, Tổng thống Morsi lên tiếng khẳng định ông chỉ hành động vì quyền lợi của nhân dân Ai Cập để loại bỏ trở ngại có liên quan đến quá khứ nhằm mang đến sự ổn định về mặt chính trị -xã hội và bảo vệ thành quả cách mạng đã đạt được. Trong bài diễn văn, ông Morsi dùng lời lẽ khá gay gắt để chỉ trích các thẩm phán cùng công tố viên là những "con mọt của quốc gia" và lên tiếng tố cáo họ đã bỏ qua vai trò của mình trong vấn đề giải quyết tham nhũng, lạm dụng chức quyền dưới triều đại của cựu Tổng thống Hosni Mubarak.

Tuy nhiên cách đó không xa, hàng ngàn người đã tập trung tại Quảng trường Tahrir để bày tỏ thái độ phản đối. Đám đông biểu tình, chủ yếu là tầng lớp tri thức và những người theo chủ nghĩa thế tục cho biết họ đã chuẩn bị tham gia một cuộc cách mạng khác chống lại nhà lãnh đạo Hồi giáo, người đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 6 năm nay với 52% phiếu bầu. Bạo lực sau đó bắt đầu diễn ra tại trung tâm Thủ đô Cairo khi đám đông thanh niên giận dữ ném đá và thiêu rụi một chiếc xe của cảnh sát trong khi lực lượng an ninh dùng hơi cay để đẩy lùi đám đông. Hàng ngàn người hô to các khẩu hiệu yêu cầu Tổng thống Morsi phải từ chức và cáo buộc ông "đảo chính". Trong khi đó, các văn phòng của Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo ở hai thành phố Port Said và Suez đều bị tấn công, đặc biệt các vụ phóng hỏa ở thành phố Alexandria phía Bắc Cairo khiến ít nhất 12 người bị thương.

Trước tình hình trên, một số nước và tổ chức quốc tế đang tỏ ra quan ngại nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng mới tại quốc gia vừa thắng lợi trong vai trò "cầu nối" mang đến thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas đang kiểm soát Dải Gaza. Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết Washington cảm thấy "thất vọng" và đang chờ đợi lời giải thích về quyết định của Tổng thống Morsi. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đưa ra cảnh báo: "Động thái của Ai Cập đang dấy lên lo ngại đối với chính người dân nước này và cho cả cộng đồng quốc tế". Trong khi đó, người phát ngôn của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhận xét: "Sắc lệnh trên đang tạo ra những vấn đề nghiêm trọng ở Ai Cập".

ĐƯỜNG THẤT (Theo Washington Post, Reuters)

Chia sẻ bài viết