09/06/2014 - 14:28

Ai Cập thắt chặt an ninh trong lễ nhậm chức của Tổng thống Sisi

Ông Sisi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Ai Cập.
Ảnh: AFP

Cựu chỉ huy quân đội Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi hôm 8-6 đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống trong vòng vây an ninh được thắt chặt.

Bộ trưởng Nội vụ Mohammad Ibrahim cho biết cảnh sát phối hợp với quân đội đã lập ra kế hoạch bảo vệ cao độ ông Sisi. Một quan chức quân đội nói rằng lực lượng vũ trang chuẩn bị sẵn sàng "ở mức cao nhất" để đối phó với "bất kỳ tình huống nào". Không giống như các lễ nhậm chức trước đây tại xứ xở kim tự tháp, tân Tổng thống Sisi đến nơi cử hành nghi thức bằng trực thăng quân đội thay vì bằng đoàn xe hộ tống. Lực lượng an ninh cũng được triển khai lên đến hàng ngàn người bên trong và xung quanh Tòa án Tối cao - khu vực tổ chức lễ.

Vấn đề bảo đảm an toàn cho ông Sisi, 59 tuổi, được tăng cường sau khi xuất hiện nhiều đe dọa ám sát kể từ khi ông đắc cử với số phiếu ủng hộ lên đến 96,9% hồi tháng 5 vừa qua (nhưng tỷ lệ người đi bỏ phiếu chưa đến 50%). Chiến thắng này diễn ra sau gần một năm quân đội của ông lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohammad Morsi. Theo Báo al-Watan, hôm 6-6, lực lượng an ninh đã bắt giữ 6 người âm mưu tấn công đoàn tùy tùng của ông Sisi sau lễ nhậm chức. Chuyên gia địa-chính trị khu vực Trung Đông Justin Dargin nhận xét nguy cơ bị ám sát của ông Sisi không phải vô căn cứ vì bản thân nhà lãnh đạo này từng xác nhận xảy ra hai vụ mưu sát nhằm vào mình.

Bên cạnh đó, nguy cơ trả thù và phá hoại lễ nhậm chức của ông Sisi còn do Tòa án Cairo hôm 7-6 đã kết án tử hình thêm 10 thành viên của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo (MB). Cùng ngày, Tổng thống lâm thời Adly Mansour còn ban hành sắc lệnh cấm các giáo sĩ không có giấy phép chủ trì lễ cầu nguyện hoặc giảng đạo tại các thánh đường Hồi giáo và nơi công cộng. Lệnh cấm này nhằm siết chặt hơn nữa sự kiểm soát của nhà nước đối với các nhà thờ Hồi giáo và kiềm chế ảnh hưởng của MB cùng các lực lượng đồng minh khác của ông Morsi. Từ khi Tổng thống Morsi bị lật đổ, cuộc truy quét những người ủng hộ ông này đã khiến hơn 1.400 người chết và 16.000 người bị bắt, riêng MB bị liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Ngoài ra, chính quyền lâm thời Ai Cập cũng tăng cường kiểm soát hoạt động của các nhà thờ Hồi giáo, nơi các đảng phái thường huy động lực lượng và tiền tài trợ. Bộ Tôn giáo Ai Cập hồi tháng 4 cho biết đã loại bỏ 12.000 giáo sĩ tự do và cấp phép cho hơn 17.000 giáo sĩ khác nhằm ngăn chặn các thánh đường Hồi giáo rơi vào tay "những phần tử cực đoan".

Nhiều thách thức đón đợi

Trở thành tổng thống thứ 5 của Ai Cập xuất thân từ quân đội, ông Sisi sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn, trong đó có việc khôi phục sự ổn định, giảm đói nghèo, hồi sinh nền kinh tế đất nước sau 3 năm hỗn loạn do làn sóng nổi dậy và ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng chính trị trong tương lai. Sau khi tuyên bố đắc cử, ông Sisi kêu gọi nhân dân Ai Cập cùng nhau "lập lại an ninh đất nước", hướng đến "tự do, nhân phẩm và công bằng xã hội".

Theo AFP, ông Sisi có thể sẽ yêu cầu sự kiểm soát của quân đội đối với chính trị đất nước. Các nước phương Tây đã lên tiếng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo nhân quyền tại Ai Cập, trong khi Mỹ bày tỏ quan ngại về "môi trường chính trị bị hạn chế" trong thời gian diễn ra bầu cử và đề nghị ông Sisi "thể hiện cam kết về bảo vệ quyền lợi chung của toàn thể nhân dân Ai Cập".

THUẬN HẢI
(Theo AFP, Reuters, Al Arabiya News)

Ông Sisi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Ai Cập. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết