02/12/2024 - 09:15

Afghanistan trong kế hoạch địa kinh tế lớn của Nga 

Thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergei Shoigu vừa có chuyến thăm tới Afghanistan, thảo luận hàng loạt vấn đề về kinh tế, giao thông và an ninh với phía chính quyền Kabul do lực lượng Taliban kiểm soát.

Ông Shoigu (giữa) trong cuộc gặp giới chức Taliban hôm 25-11 ở thủ đô Kabul. Ảnh: afintl

“Chúng tôi định phát triển hợp tác song phương giữa Nga và Afghanistan trong nhiều lĩnh vực. Tôi khẳng định sự sẵn sàng của chúng tôi trong việc thiết lập một cuộc đối thoại chính trị mang tính xây dựng giữa 2 nước, bao gồm cả mục đích thúc đẩy quá trình giải quyết nội bộ Afghanistan” - ông Shoigu phát biểu trong cuộc gặp với giới chức Taliban hôm 25-11.

Vị trí ngã ba chiến lược 

Chuyến thăm của ông Shoigu tới Afghanistan cũng được coi là một phần trong nỗ lực biến Kabul thành thành phần chính trong Quan hệ Ðối tác Á - Âu Mở rộng (GEP), tầm nhìn chiến lược lớn của Nga nhằm tạo ra các tuyến đường thương mại mới và quan hệ đối tác tại châu Á, để giao thương nhiều hơn với Nam Á và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Ðược giới chuyên gia xem là chính sách “xoay trục sang châu Á” phiên bản Nga, GEP đã được Mát-xcơ-va “ưu ái” kể từ khi Mỹ và phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt chưa từng có đối với Nga sau khi nước này phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine hồi năm 2022. Kể từ đó, Nga đã khôi phục Hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam (INSTC) vốn bị đình trệ giữa nước này với Ấn Ðộ. Mát-xcơ-va cũng tìm kiếm vai trò lớn hơn tại khu vực cho Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - tổ chức chính trị, kinh tế, an ninh và quốc phòng Á - Âu do Nga và Trung Quốc thành lập hồi năm 2001.

Với tư cách là quan sát viên của SCO và sở hữu vị trí chiến lược tại ngã ba của Trung Á, Nam Á và Tây Á, Afghanistan đã được Nga “để mắt” tới. Tuy nhiên, ưu tiên trước mắt của Mát-xcơ-va là mở rộng hợp tác quân sự - kỹ thuật với chính quyền Taliban để có thể chống lại Nhà nước Hồi giáo Khorasan (ISIS-K), nhánh của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Afghanistan, hiệu quả hơn. ISIS-K đã lên tiếng thừa nhận đứng sau vụ tấn công nhà hát của Tòa thị chính Crocus ở ngoại ô thủ đô Mát-xcơ-va hồi tháng 3 năm nay, khiến ít nhất 143 người thiệt mạng. Ðây là vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất xảy ra tại Nga trong vòng 20 năm qua.

Ðể đạt được mục tiêu trên, ông Shoigu tuyên bố rằng Nga sẽ xóa tên Taliban khỏi danh sách các tổ chức khủng bố, qua đó cho phép hai bên phối hợp tốt hơn các chính sách nhằm kiềm chế các mối đe dọa an ninh khu vực như ISIS-K. Song song đó, Nga sẽ khuyến khích SCO phối hợp chặt chẽ hơn với Afghanistan, thông qua việc chia sẻ thông tin tình báo nhiều hơn cũng như thông qua các cuộc tập trận chống khủng bố trong tương lai.

Yêu cầu cải thiện quan hệ khu vực

Ðổi lại, Afghanistan tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại và xuất khẩu năng lượng của Nga sang Nam Á. Ðể làm được điều này, Taliban phải ổn định an ninh trong nước, cải thiện quan hệ với Pakistan cũng như Pakistan cải thiện quan hệ với Ấn Ðộ.

Trong những năm gần đây, quan hệ Nga - Pakistan đã được cải thiện rất nhiều. Ðặc biệt là trong những tháng gần đây, quan hệ giữa Mát-xcơ-va và Islamabad đã đạt được những tiến triển đáng kể. Theo đó, Phó Thủ tướng Nga Alexei Overchuk hồi cuối tháng 9 đã có chuyến thăm Pakistan, trong khi Nga lần đầu tổ chức Diễn đàn Thương mại và Ðầu tư Nga - Pakistan vào đầu tháng 10.

Trước đó, trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh SCO tại Uzbekistan hồi tháng 9-2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói với Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif rằng Nga có mục tiêu vận chuyển khí đốt đến Pakistan bằng đường ống. Theo nhà lãnh đạo xứ bạch dương, điều này có thể thực hiện được nhờ vào một số cơ sở hạ tầng sẵn có tại Nga, Kazakhstan và Uzbekistan. Về mặt lý thuyết, nếu quan hệ Ấn Ðộ - Pakistan cũng được cải thiện song song với quan hệ Afghanistan - Pakistan, đường ống tiềm năng này của Nga cũng có thể được mở rộng sang Ấn Ðộ.

Song, giới chuyên gia cho rằng ngay cả khi không có bất kỳ tiến triển nào đối với đường ống do Tổng thống Putin đề xuất, Nga vẫn có khả năng biến Afghanistan thành một trung tâm dầu mỏ trong khu vực, sau đó giúp làm trung gian giải quyết các tranh chấp giữa Afghanistan và Pakistan để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu dầu sang Pakistan và đặt nền tảng chính trị cho việc xây dựng đường ống này.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

 

 

Chia sẻ bài viết