15/10/2011 - 10:24

5 lý do Iran không âm mưu ám sát đại sứ Arabie Séoudite

Phiên tòa xét xử Manssor Arbabsiar với cáo buộc âm mưu ám sát
đại sứ Arabie Séoudite Adel Jubeir.

Trong lúc chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama gia tăng sức ép với Iran, thậm chí dọa “sẽ không loại bỏ bất kỳ sự lựa chọn nào” nhằm trừng phạt Iran vì âm mưu ám sát đại sứ Arabie Séoudite, thì hãng truyền thông CNN danh tiếng của Mỹ lại đăng tải ý kiến của các nhà phân tích hoài nghi về sự dính líu của Tehran tới vụ này.

Có lý nào lực lượng đặc biệt thuộc Vệ binh cách mạng Iran lại chọn một người Mỹ gốc Iran ở bang Texas đi thuê một sát thủ trong băng nhóm ma túy ám sát đại sứ Arabie Séoudite tại một nhà hàng đông đúc ở Washington? Giới chức Mỹ chắc rằng âm mưu sát hại nhà ngoại giao Adel Jubeir là có thật, song các nhà phân tích không tin một tổ chức hợp pháp của chính phủ Iran lại dính vào kế hoạch rắc rối và dễ bại lộ như vậy. Dưới đây là 5 lý do khiến họ hoài nghi cáo buộc của Mỹ nhằm vào Iran:

1. Âm mưu ám sát không phù hợp với phong cách của Iran

Trong lịch sử 32 năm của nước Cộng hòa Hồi giáo, Lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh cách mạng Iran – đơn vị bị cho là chủ mưu vụ ám sát – chưa từng bị cáo buộc có dính líu tới một vụ ám sát hay vụ tấn công nào trên đất Mỹ. Trong những vụ mà các thành viên của Quds bị cáo buộc chủ mưu, họ có cách để che đậy dấu vết và thuê các nhóm có năng lực cao, chẳng hạn Hezbollah ở Liban.

Các nhà phân tích cho rằng việc thuê một người kinh doanh xe cũ, kẻ lập tức khai báo mối quan hệ với quân đội Iran sau khi bị bắt và ngang nhiên chuyển 100.000 USD cho sát thủ (như lời các nhà điều tra Mỹ), là không phù hợp với cách làm của Lực lượng Quds. “Ít có tổ chức nào làm tốt hơn Quds. Họ biết mình đang làm gì và chỉ sử dụng những người đã được thẩm định kỹ”, Bob Baer - cựu điệp viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), khẳng định.

2. Iran sẽ mất nhiều hơn được

Một âm mưu ám sát trên đất Mỹ sẽ chỉ khiến Iran bị cộng đồng quốc tế cô lập và cấm vận nhiều hơn, thậm chí bị trả đũa bằng hành động quân sự. “Kế hoạch hạ sát Đại sứ Adel Jubeir không có lợi gì cho Iran và nó đi ngược hoàn toàn với chiến lược an ninh quốc gia của họ”, theo Hillary Mann Laverett, một cố vấn phụ trách vấn đề Iran trong chính quyền của cựu Tổng thống George Bush.

3. Iran có nhiều mục tiêu tấn công dễ dàng hơn

Iran có nhiều mục tiêu tấn công dễ dàng hơn, nếu họ muốn, nhằm vào Arabie Séoudite, quốc gia kế cận Iran. Vì thế, việc cáo buộc Lực lượng Quds tiến hành một âm mưu trên đất Mỹ dường như là quá gượng gạo.

4. Iran đang phát triển mạnh và không liều lĩnh hành động

Iran đang nổi lên như một thế lực không thể phủ nhận tại Trung Đông, phần lớn là nhờ liên quân do Mỹ dẫn đầu trong thập niên qua đã loại bỏ 2 kẻ thù chủ chốt của họ là chế độ Saddam Hussein ở Iraq và Taliban ở Afghanistan. Vị thế kinh tế và chính trị của Iran trong khu vực lớn mạnh chưa từng có và họ đã củng cố vai trò của mình như một nước quan trọng tham gia gần như vào mọi vấn đề lớn trong vùng, bao gồm cuộc xung đột Israel-Palestine, tương lai của Iraq và Afghanistan, giá dầu và năng lượng hạt nhân.

Các nhà phân tích cho rằng những cách làm manh động như âm mưu ám sát trên đất Mỹ có thể chỉ dành cho một nước muốn làm liều để gây chú ý, chứ không phải Iran.

5. Cáo buộc đối với Iran có đầy lỗ hổng

Dường như có quá nhiều câu hỏi chưa được giải đáp trong thời điểm này để kết luận rằng âm mưu ám sát là do chính phủ Iran hoặc lãnh đạo Lực lượng Quds lập ra. Ví dụ, khi được hỏi liệu lãnh đạo trong chính phủ Iran có biết về kế hoạch này hay không, Tổng chưởng lý Mỹ Eric Holder nói ông không cho rằng các quan chức cấp cao ở Tehran liên quan đến vụ này. Một quan chức cấp cao khác của Mỹ lại thắc mắc không biết một âm mưu ám sát được chính phủ Iran thông qua như thế nào.

THANH TRÚC (Theo CNN)

Phiên tòa xét xử Manssor Arbabsiar với cáo buộc âm mưu ám sát đại sứ Arabie Séoudite Adel Jubeir.

Chia sẻ bài viết