15/11/2012 - 08:20

5 dấu hiệu cho thấy cuộc xung đột ở Syrie đang thay đổi

Khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ qua đi, Washington và các đồng minh tăng tốc đẩy mạnh việc thống nhất phe đối lập ở Syrie và lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Hãng tin Mỹ CNN đã tổng hợp và dẫn chứng 5 dấu hiệu cho thấy bối cảnh của cuộc xung đột tại Syrie đang thay đổi.

1. Mỹ cuối cùng cũng bỏ Hội đồng Dân tộc Syrie

Sau 18 tháng tranh cãi nội bộ và kém hợp tác với các nhóm chống đối ở trong nước, tổ chức lưu vong gọi là Hội đồng Dân tộc Syrie (SNC) cuối cùng cũng trở nên thừa thải… Tại một cuộc họp báo diễn ra chỉ vài ngày trước bầu cử Tổng thống Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói: "Chúng tôi đã nói rõ là SNC không thể được xem là lãnh đạo phe đối lập nữa…, mà phe đối lập nên bao gồm những người ở tại Syrie". Anh cũng đồng quan điểm với Mỹ trong vấn đề này. "Đó là cơ hội để Anh, Mỹ, Arabie Séoudite, Jordanie và đồng minh kết hợp với nhau giúp định hình phe đối lập, bên ngoài và bên trong Syrie"- Thủ tướng David Cameron nói trong chuyến thăm những người tị nạn Syrie tại Jordanie tuần rồi.

2. Phe đối lập thành lập liên minh mới

Cuộc xung đột kéo dài 18 tháng qua tại Syrie đã khiến hàng trăm nghìn dân chạy sang các nước láng giềng lánh nạn. Ảnh: CNN 

Sau nhiều ngày nhóm họp tại Qatar và kết thúc vào hôm 11-11, phe đối lập Syrie đã chính thức ký kết một thỏa thuận về việc thành lập một liên minh mới có tên là "Liên minh Dân tộc các lực lượng đối lập và cách mạng Syrie". Liên minh này do "giáo sĩ ôn hòa" Ahmed Moaz al-Khatib làm lãnh đạo, bên cạnh hai cấp phó gồm cựu nghị sĩ Riad Seif – người được Mỹ tin tưởng là có thể thống nhất lực lượng đối lập, và nhà hoạt động nữ quyền Suhair al-Atassi.

Ngày 12-11, Liên đoàn A-rập (AL) và Hội đồng hợp tác vùng Vịnh đã đồng loạt quyết định công nhận "Liên minh Dân tộc các lực lượng đối lập và cách mạng Syrie" là đại diện hợp pháp của nhân dân Syrie.

3. Sức ảnh hưởng của các nhóm Hồi giáo đang gia tăng

Điều khiến Washington, Luân Đôn và Paris lo lắng hiện nay chính là việc thiếu sự liên kết chặt chẽ trong lực lượng kháng chiến đã và đang mở ra khoảng trống cho các nhóm thánh chiến như Jabhat al Nusa – phe đã tăng cường chiến dịch đánh bom liều chết và gia nhập Quân đội Syrie Tự do (FSA) để chiếm đóng các căn cứ quân sự. Trong bản đánh giá chi tiết nhất từ trước đến nay về các nhóm Hồi giáo bên trong lực lượng chống đối, Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế (ICG) tháng trước cho biết "sự hiện diện của nhóm Hồi giáo cực đoan Salafi trong lực lượng chống đối Syrie là điều không có gì bàn cãi".

4. Thổ Nhĩ Kỳ muốn triển khai tên lửa Patriot sát biên giới Syrie

Báo giới quốc tế tuần qua đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ có ý định đề nghị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai hệ thống tên lửa Patriot dọc biên giới với Syrie nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực lan sang nước mình. Mặc dù Ankara khẳng định các khẩu đội Patriot sẽ được dùng để phòng thủ trong trường hợp tên lửa đạn đạo của Syrie được bắn sang nước này, nhưng chúng cũng có thể được dùng để ngăn chặn sức mạnh không quân của nước láng giềng.

Pháp trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên công nhận liên minh dân tộc đối lập mới tại Syrie là “đại diện duy nhất” của người dân Syrie, đồng thời khẳng định đã đến lúc xem xét lại vấn đề vũ trang cho lực lượng chống đối ở Syrie. Tại một cuộc họp báo ở Thủ đô Paris, Tổng thống Pháp Francois Hollande thông báo: “Pháp công nhận Liên minh Dân tộc Syrie là đại diện duy nhất của người dân Syrie, và vì thế là chính quyền lâm thời tương lai của một Syrie dân chủ”.

HOÀNG NAM (Theo Reuters)

5. Khả năng kiểm soát khu vực phía Bắc của chính quyền Syrie đang suy yếu

Hiện nay, vùng đệm yếu thế nhất tại Syrie là ở vùng Tây Bắc, nơi chính quyền của Tổng thống al-Assad mất quyền kiểm soát phần lớn diện tích khu vực dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và một số tỉnh chiến lược. Thêm vào đó, các căn cứ quân sự ở tỉnh Idlib và Aleppo hiện bị bao vây hoặc chiếm đóng, và chính quyền của ông al-Assad đã mất quyền kiểm soát đường cao tốc M5 nối liền Thủ đô Damas và thành phố Homs với các tỉnh, thành lớn phía Bắc. Trong khi đó, lực lượng chống đối cũng đã bắt đầu tấn công một sân bay quân sự ở Idlib và đã phong tỏa con đường nối Aleppo với bờ biển.

***

Bất chấp những dấu hiệu nói trên, CNN cho rằng hàng loạt những thay đổi ở bên trong và bên ngoài Syrie những tuần gần đây không đồng nghĩa với chuyện chế độ của Tổng thống al-Assad sắp đến hồi kết.

THANH TRÚC (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết