12/02/2015 - 15:00

Báo Xuân Ất Mùi 2015

“Tứ đại gia tộc” ở Đông Nam Á

NGUYỆT CÁT (Tổng hợp)

Đông Nam Á có nhiều dòng họ lừng danh, chi phối chính trường các quốc gia suốt nhiều thập kỷ. Họ không những đóng góp rất lớn vào sự phát triển của đất nước, mà còn tạo được những ảnh hưởng đáng kể tới đời sống kinh tế, xã hội, chính trị trong khu vực và quốc tế.

"Đệ nhất danh gia" Singapore

Năm nay, ông Lý Quang Diệu đã ngoài 90 tuổi, nhưng vị thủ tướng đầu tiên của Singapore (1959-1990) vẫn được xem là chính trị gia có ảnh hưởng nhất tại nước này. "Cha đẻ" của Singapore là người có công to lớn trong việc đưa Đảo quốc Sư tử phát triển vượt bậc nhờ những chính sách đúng đắn, trong đó có chủ trương bắt buộc sử dụng tiếng Anh trong các giao dịch kinh doanh, chính phủ và trường học. Trong chuyến thăm Hà Nội hồi năm 2007, ông Lý từng "tặng" Việt Nam 4 ý tưởng về giáo dục - đó là phải biết giữ nhân tài, phổ cập tiếng Anh, xác định chỉ tiêu đào tạo cần thiết trong giáo dục và nuôi dưỡng tham vọng cho những người trẻ tuổi.

Ông Lý Quang Diệu (ngồi) cùng các thành viên trong đại gia đình. Ảnh: Malaysians Must Know The Truth

Các con của ông Lý Quang Diệu hiện đều là những người thành đạt và có ảnh hưởng trong xã hội Singapore. Trong đó, người con trai cả - đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long (63 tuổi)- nổi tiếng là một chính trị gia thông minh, nghiêm khắc giống hệt cha. Ông Lý Hiển Long từng tốt nghiệp tại 2 trường đại học hàng đầu thế giới là Cambridge (Anh) và Harvard (Mỹ). Tháng 6-2014 khi bình luận về những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, ông Lý Hiển Long nói rằng tranh chấp lãnh thổ phải được giải quyết bằng luật pháp quốc tế chứ không nên "lẽ phải thuộc về kẻ mạnh".

Trong khi đó, vợ ông Lý Hiển Long là bà Hà Tinh hiện giữ chức Tổng Giám đốc Temasek Holdings, một trong những quỹ đầu tư nhà nước lớn nhất thế giới đang sở hữu và quản lý danh mục đầu tư trị giá 177 tỉ USD. Bà từng xuất hiện trong danh sách những phụ nữ quyền lực nhất thế giới, trong khi doanh nghiệp mà bà phụ trách được coi là một trong những "huyền thoại" của Singapore. Temasek rất quan tâm tới thị trường Việt Nam và mới đây đã rót 21 triệu USD vào cổ phiếu Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Người con gái duy nhất của ông Lý Quang Diệu - bà Lý Vỹ Linh - hiện là bác sĩ chuyên khoa thần kinh nổi tiếng và đang lãnh đạo Viện Khoa học Thần kinh Quốc gia Singapore. Lý Hiển Dương, người con trai út của ông, từng là một doanh nhân lớn và hiện giữ chức Chủ tịch Cơ quan Hàng không Dân dụng Singapore.

Gia tộc Aquino ở Philippines

Là đời thứ ba trong gia tộc chính trị lừng lẫy Philippines, đương kim Tổng thống Benigno S. Aquino III (55 tuổi) không những được đặc biệt chú ý vì là vị tổng thống độc thân đầu tiên của "xứ sở dừa", mà còn là vị nguyên thủ thứ hai không uống rượu (người đầu tiên là Tổng thống Emilio Aguinaldo). Ông cũng là chính khách luôn tỏ thái độ mạnh mẽ, quyết liệt chống tham nhũng (bắt giữ người tiền nhiệm Gloria Macapagal Arroyo vì hành vi biển thủ công quỹ) và không ngại đương đầu với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ (kiện Bắc Kinh ra Tòa án Trọng tài Quốc tế).

Tổng thống Benigno S. Aquino III. Ảnh: Getty Images

Ông nội ông là Benigno Simeon "Igno" Aquino từng giữ chức Chủ tịch Hạ viện Philippines, trong khi mẹ là cố Tổng thống Corazon Aquino và cha là cố Thượng nghị sĩ Benigno S. Aquino, Jr - là những chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn và số phận đặc biệt.

Bà Corazon Aquino trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Philippines và châu Á vào năm 1986. Từ xuất phát điểm ban đầu là một người nội trợ bình thường, bà Corazon đã trở thành nguyên thủ Philippines sau khi lật đổ nhân vật độc tài và tham nhũng nhất tại quốc gia này là Ferdinand Marcos. Trước đó, chồng bà - ông Benigno S. Aquino, Jr - đã bị ám sát năm 1983 ngay khi hồi hương để tranh cử tổng thống sau 3 năm sống lưu vong ở Mỹ. Khi đó dù không có kinh nghiệm chính trị, bà Corazon vẫn dũng cảm tham gia chính trường và tiếp tục cuộc đấu tranh đòi dân chủ của chồng. Bà từng bị đảo chính (bất thành) và con trai Aquino III đã bị thương trong vụ này.

Trong thời gian cầm quyền, bà Corazon đã thảo ra hiến pháp mới, quy định một nhiệm kỳ tổng thống 6 năm duy nhất và tiến hành một loạt cải cách được lòng dân (trong đó nổi bật nhất là luật cải cách ruộng đất). Dù nhận được nhiều ủng hộ nhưng đương kim Tổng thống Aquino III đã bác bỏ khả năng sửa đổi hiến pháp để ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa vào năm 2016.

Ba anh em cùng làm Thủ tướng Thái Lan

Có thể nói gia tộc Shinawatra đã chi phối chính trường Thái Lan trong suốt vài thập kỷ qua. Hai thành viên của dòng họ này từng đảm nhiệm chức thủ tướng, gồm ông Thaksin Shinawatra (66 tuổi) và em gái út, bà Yingluck Shinawatra (48 tuổi). Một người em gái khác của ông Thaksin là bà Yaowapa Wongsawat cũng là nhân vật nổi bật trên chính trường Thái Lan trong vai trò lãnh đạo chi nhánh đảng "Người Thái yêu người Thái" ở miền Bắc. Chồng bà Yaowapa là ông Somchai Wongsawat từng làm thủ tướng Thái Lan trong những tháng cuối năm 2008.

Ông Thaksin (giữa), bà Yingluck (phải) và ông Somchai. Ảnh: Bangkok Post

Nhiều người hẳn rất ngạc nhiên khi biết rằng gia tộc lừng lẫy chính trường Thái Lan lại là hậu duệ của những người Hẹ ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) mới di cư tới Chiang Mai vào giữa thế kỷ thứ 19. Cha của ông Thaksin và bà Yingluck là Lert Shinawatra bắt đầu sự nghiệp chính trị khi giành được một ghế trong quốc hội năm 1969. Vận hội chính trị của gia tộc Shinawatra xuất hiện vào đầu năm 2001 khi đảng "Người Thái yêu người Thái" của ông Thaksin giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện và đưa ông vào ghế thủ tướng.

Tuy được lòng dân nghèo nhưng những chính sách của Thủ tướng Thaksin lại gây khó chịu cho tầng lớp trung lưu, giới bảo hoàng và quân đội, khiến ông bị lật đổ vào năm 2006 khi đang tham gia cuộc họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc tại Mỹ, sau đó phải sống lưu vong để tránh ngồi tù vì tội lạm quyền. Trước khi bị sa cơ thất thế, ông Thaksin từng là người giàu nhất Thái Lan.

Nhờ ảnh hưởng của Thaksin, em gái ông là bà Yingluck trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan vào năm 2011 và 3 năm sau lại bị quân đội đảo chính như số phận của anh mình. Dòng họ Shinawatra hy vọng sẽ trở lại chính trường khi Thái Lan tổ chức tổng tuyển cử vào năm 2016 như cam kết của chính quyền quân sự.

Nhà Sukarno ở Indonesia

Sukarno được xem là gia tộc danh giá bậc nhất tại Indonesia, bởi đã sản sinh ra vị tổng thống đầu tiên của đất nước vạn đảo, người đã lãnh đạo nhân dân giành độc lập từ tay thực dân Hà Lan năm 1945 và làm tổng thống suốt 22 năm sau đó. Tổng thống Sukarno xuất thân từ một gia đình bình dân, là con trai duy nhất trong một gia đình có cha là giáo viên tiểu học người Java và mẹ là một phụ nữ Bali.

Bà Megawati (phải) và đương kim Tổng thống Widodo. Ảnh: AFP

Thời trẻ, Tổng thống Sukarno theo học ngành xây dựng dân dụng và trở thành kỹ sư vào năm 1927. Ông chính thức bắt đầu sự nghiệp chính trị một năm sau đó bằng việc giúp thành lập đảng Dân tộc Indonesia, do quá căm phẫn trước ách đô hộ của thực dân Hà Lan. Vị lãnh tụ này nổi tiếng với khả năng nói thông thạo nhiều ngôn ngữ như tiếng Hà Lan, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Bali và dĩ nhiên là cả tiếng Java. Tổng thống Sukarno đã bị một vị tướng dưới quyền là Suharto ép buộc rời khỏi quyền lực vào năm 1967.

Trong số những người con của Tổng thống Sukarno thì bà Megawati Setiawati Soekarnoputri (68 tuổi) là người kế thừa thành công sự nghiệp chính trị của cha mình. Bà lãnh đạo Indonesia trong giai đoạn 2001 - 2004, và là nữ tổng thống duy nhất của quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới tính tới thời điểm này. Tại đại hội toàn quốc đảng Dân chủ Indonesia Đấu tranh (PDI-P) vào tháng 9-2014, bà Megawati đã tái đắc cử chức chủ tịch, trở thành người lãnh đạo đảng này liên tiếp từ năm 1993. Cũng trong năm ngoái, đại diện của PDI-P là Joko Widodo, thống đốc Jakarta, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Indonesia vào tháng 7.

Bà Megawati nói rằng thắng lợi liên tiếp của PDI-P trong cuộc bầu cử quốc hội (tháng 4-2014) và tổng thống đã khẳng định tầm nhìn quốc gia và tư tưởng của cha mình, cố Tổng thống Sukarno, về một đất nước Indonesia độc lập, tự chủ về chính trị, kinh tế và văn hóa mà PDI-P luôn theo đuổi.

Chia sẻ bài viết