09/01/2015 - 21:24

“Trung Quốc muốn mua đứt Mỹ La-tinh”

Đó là tựa đề bài viết đăng trên trang tin điện tử của Thời báo Epoch hôm 8-1, ngày diễn ra Hội nghị bộ trưởng lần thứ nhất Diễn đàn Trung Quốc-Cộng đồng Các Quốc gia Mỹ La-tinh và vùng Caribe (CELAC) với việc Trung Quốc thông báo khoản đầu tư 250 tỉ USD vào CELAC trong 10 năm tới.

Cam kết trên được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trong bài phát biểu khai mạc hội nghị (diễn ra trong 2 ngày) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Ông Tập cho biết thương mại song phương giữa Trung Quốc và 33 nước thành viên CELAC dự kiến vượt mốc 500 tỉ USD trong thập niên tới, cho nên đầu tư trực tiếp vào khu vực này là một cơ hội. “Trung Quốc sẵn sàng nắm bắt cơ hội để xây dựng một nền tảng hợp tác mới với Mỹ La-tinh và vùng Caribe” – ông Tập nói. Mặt khác, ông cho rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức từ trung bình đến cao trong 10 năm tới nên sẽ mang đến nhiều cơ hội cho thế giới, kể cả các quốc gia Mỹ La-tinh và Caribe.

Giới truyền thông bình luận số tiền 250 tỉ USD là rất lớn, song do nguồn vốn này chủ yếu phân bổ dưới dạng các khoản vay và đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong 10 năm, nên tính ra Trung Quốc chỉ đầu tư 10 tỉ USD/năm cho cả khu vực Nam Mỹ. Mặt khác, 26 tỉ USD chỉ bằng 0,6% tổng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc và chẳng thấm tháp gì so với khoản lợi tức từ nguồn dự trữ ngoại tệ 1.000 tỉ USD mang lại. Do đó, Trung Quốc biết họ cần đa dạng hóa nguồn thu và đang tận dụng mọi cơ hội để đầu tư.

Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ La-tinh vào năm 2030, do vậy không ngừng tìm cách gia tăng ảnh hưởng tại khu vực lâu nay do Mỹ chi phối. Hiện các nước thuộc Diễn đàn Trung Quốc-CELAC đều công nhận đây là đối tác chiến lược và để trao đổi khoản đầu tư khổng lồ nêu trên, Trung Quốc sẽ nhập khẩu các mặt hàng chủ chốt từ các đối tác, chẳng hạn dầu thô từ Venezuela, đậu nành từ Argentina và Brazil, đồng từ Peru và Chile, cùng nhiều mặt hàng khác.

Suy cho cùng, Trung Quốc mạnh tay đầu tư vào các nước CELAC cũng mang lại nhiều lợi ích cho họ. Đơn cử, việc dùng đồng tiền để mua ảnh hưởng tại khu vực được mệnh danh là “sân sau của Mỹ” sẽ bảo đảm cho Trung Quốc có được nguồn cung tài nguyên thiên nhiên giá rẻ (chủ yếu là dầu mỏ). Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi mà nền kinh tế Trung Quốc muốn tái hiện thời kỳ tăng trưởng nhanh.

THANH TRÚC

Chia sẻ bài viết